Xuất khẩu thủy sản quý I đạt gần 2 tỷ USD
01/04/2024 77Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - Hong Kong là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16%, xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, xuất khẩu sang Trung Quốc – Hong Kong tăng 15%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản quý I ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - Hong Kong là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, xuất khẩu sang Trung Quốc – Hong Kong tăng 15%.
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong tháng 3 vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác đều giảm, cho thấy khả năng hồi phục của thị trường này ngày càng rõ rệt. Trong đó riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I tăng 15%, xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13-53%.
Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi đó xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn tăng trên 30%.
Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm NK từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ Trung Quốc, Mỹ tăng nhu cầu tôm, cua của Việt Nam, xuất khẩu 2 loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%. Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật, theo đó xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay.
Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba. Gần đây, Nhật Bản tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc – đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật - đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản.
Thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương, lần lượt tăng 27% và 15%. Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực, như sang Mỹ tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn tăng 16%, trong khi sang các thị trường chính khác như Mỹ giảm 3%, Nhật Bản giảm 21%.
Nguồn: VietnamBiz
- Quy định mới của EU về ấn định thuế nhập khẩu đối với gạo lứt nhập khẩu vào EU áp dụng từ ngày 06/9/2024.
- Chính thức cấp phép xuất khẩu chanh leo sang Australia
- Siêu bão Yagi càn quét miền Bắc, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề
- Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam
- Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024