Ngày 19/3, tại Gia Lai, 2 container với khối lượng khoảng 40 tấn cà phê nhân hữu cơ đã chính thức lên đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.

Thị trường cà phê năm 2024 tiếp tục nóng hơn bao giờ hết khi từ sau Tết tới nay; giá cà phê liên tục biến động theo hướng tăng và hiện đang thẳng tiến tới mốc 100.000 đồng/kg. Giữa lúc giá cà phê tăng nhưng Công ty TNHH Vĩnh Hiệp không chạy theo số lượng mà chú trọng vào nâng chất lượng bằng việc đầu tư phát triển cà phê hữu cơ, mang lại giá trị cao hơn 45% so với cà phê thường.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện với ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) xung quanh vấn đề này.

Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chủ yếu vẫn xuất cà phê robusta thông thường, trong khi đó xu hướng thế giới đang chuộng cà phê “xanh” tức là cà phê hữu cơ. Vậy tại Việt Nam, việc phát triển cà phê hữu cơ hiện nay như thế nào và đã được thế giới biết đến thương hiệu chưa, thưa ông?

Cả thế giới đã chuyển mình để hướng tới cuộc sống xanh, sạch và cà phê hữu cơ là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng trên toàn thế giới. Dữ liệu từ Data Bridge Market Research cho thấy, thị trường cà phê hữu cơ toàn cầu trị giá 6,8 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt giá trị 12,96 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ CAGR là 8,40% trong giai đoạn dự báo 2022-2029.

Dư địa thị trường lớn là vậy nhưng thực trạng phát triển cà phê hữu cơ hiện nay ở Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm gần 2% trên tổng sản lượng toàn cầu. Lý do chủ yếu do nông dân Việt Nam đã quen với phương thức canh tác truyền thống, chăm sóc phân bón vô cơ để tăng năng suất, sản lượng.

Tuy nhiên có một tín hiệu đáng mừng, dù chiếm thị phần ít nhưng thế giới cũng đã biết đến thương hiệu của cà phê hữu cơ Việt Nam nói chung, cà phê hữu cơ của Vĩnh Hiệp nói riêng. Bởi chúng tôi đã tiên phong trong việc xây dựng cà phê chất lượng, đầu tư trang trại theo mô hình chế biến cà phê theo quy trình hữu cơ để đáp ứng xu hướng của thị trường cũng như cuộc sống chúng ta đang hướng tới môi trường xanh và sạch.

Gắn bó nhiều năm với ngành cà phê, ông có thể cho biết cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Với kinh nghiệm và đánh giá của chúng tôi, hiện nay đối với Robusta thì Việt Nam đang dẫn đầu về chất lượng cũng như số lượng. Cho nên Việt Nam đang đóng vai trò nguồn cung quan trọng về cà phê Robusta trên toàn cầu. Đặc biệt, ảnh hưởng thiếu hụt của năm nay cũng đã tác động lên giá, vì cả thế giới đều cần sử dụng nguồn Robusta của Việt Nam.

Về thương hiệu, cà phê Robusta Việt Nam đang là số 1 thế giới. Dù vậy, như tôi đã nói ở trên, theo xu hướng phát triển xanh của thế giới, để tính đường dài, làm bền vững và có thương hiệu thì hiện nay doanh nghiệp và nông dân đã liên kết để xây dựng một chuỗi nông nghiệp xanh, tạo ra chuỗi cung ứng có kiểm soát và truy xuất nguồn gốc, làm theo các bộ tiêu chí của quốc tế và đạt được những chứng nhận như Fair Trade, Organic, Rain Forest, 4C…

Hiện nay giá cà phê đang cao, sẽ làm cho nhiều người chạy theo giá, theo lượng, vậy vì sao Vĩnh Hiệp lại chọn đầu tư cà phê hữu cơ?

Phải khẳng định rõ rằng, giá cà phê hiện nay tăng cao là do nguồn cung đang thiếu hụt trên toàn cầu. Cụ thể, sản lượng năm nay bị sụt giảm do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, trong đó cà phê Việt Nam cũng mất mùa dẫn tới thiếu hụt gần 20%. Tuy nhiên, đây là biến động mang tính chất ngắn hạn.

Thêm vào đó, một bộ phận người dân trồng cà phê đã chuyển đổi sang các cây có thu nhập cao bởi cây cà phê với giá cũ thì không mang lại năng suất cũng như lợi nhuận cho nông dân, nên việc thị trường nói chung và người nông dân sản xuất nói riêng đang điều chỉnh giá thì cũng được xem là hợp lý.

Do đó, tôi khẳng định: Không đúng khi nói cà phê giá cao thì sẽ chạy theo giá mà không chú trọng vào chất lượng. Mà giá đang cao do cung thiếu cầu, dẫn đến thiếu hụt cục bộ tăng giá chứ không phải bỏ qua chất lượng. Giá cao thì hàng càng chất lượng.

Chẳng hạn như công ty chúng tôi, hiện đang tiên phong trong việc liên kết với nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững để nâng cao giá trị chất lượng cà phê. Mô hình này đã được chúng tôi đã định hướng và xây dựng từ năm 2016. Chúng tôi đã đầu tư một mô hình trang trại canh tác hữu cơ với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh cũng như sản phẩm chất lượng để khẳng định cũng như nâng cao giá trị của cây cà phê.

Được biết hôm nay (19/3) lô cà phê hữu cơ đầu tiên của Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu đi Nhật Bản - một thị trường nổi tiếng về các tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Xin ông cho biết để vào được thị trường này, công ty đã trải qua những quy trình nào?

Kể từ khi bắt đầu vào năm 2016 cho đến 2022 - tức là phải sau 8 năm, chúng tôi mới ra được sản phẩm. Sau đó, để mở thị trường, chúng tôi cũng phải mất 2 năm đàm phán mới đi đến ký kết hợp tác thành công trong việc xuất khẩu 2 cont cà phê hữu cơ đầu tiên qua thị trường Nhật Bản. Điều đáng mừng là lô hàng này đã mở ra cơ hội mới cho việc phát triển cà phê hữu cơ của chúng tôi tại thị trường Nhật Bản trong thời gian tới.

Sau Nhật Bản, trong kế hoạch sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường ở một số quốc gia tại châu Á và Mỹ. Để thực hiện, chúng tôi sẽ liên kết với các hợp tác xã và nông dân để nhân rộng mô hình đã làm trong 8 năm qua bởi đây là đích phải đến trong hành trình phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương