Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn quy định lỏng lẻo, hiệu quả thực thi thấp…

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP), thực hiện các cam kết mở cửa thị trường phân phối nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phân phối hàng hóa tại Việt Nam như Aeon, Walmart, Carrefour, Central Group... Đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh vào lĩnh vực phân phối hàng hoá, đặc biệt là kênh bán lẻ hiện đại.

Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dần được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn hội nhập.

Theo đó, Việt Nam đã xây dựng và thực thi chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Luật Thương mại 2005; Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 của Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn quy định lỏng lẻo, hiệu quả thực thi thấp… Do vậy, cần hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chiều 26/12, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức Tọa đàm: “Hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Tọa đàm được chủ trì và điều hành bởi TS. Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương. Tới dự tọa đàm có GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; Bà Nguyễn Cẩm Tú - Chánh Văn phòng, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; Ông Phạm Quốc Mạnh - Phó TGĐ Tập đoàn Phú Thái;...

Tại buổi Tọa đàm, TS Đinh Thị Mỹ Loan nhận định thực trạng chính sách quản lý hoạt động phân phối - bán lẻ hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là tương đối đầy đủ, an toàn và phù hợp để nhà bán lẻ, cả nội địa và FDI có thể gia nhập thị trường, và hoạt động bán lẻ có thể được vận hành bình thường, bảo đảm sự kiểm soát ở mức độ thích hợp của Nhà nước, lợi ích của nhà bán lẻ.

Trên thực tế, nhiều quy định trong các văn bản vẫn còn bị đánh giá là bất cập, chưa thực sự thuận lợi, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và bán lẻ nói riêng. Tuy nhiên, bà Loan cho rằng cần có cách xử lý thích hợp, khó có thể nóng vội đòi hỏi có điều chỉnh riêng với ngành bán lẻ.

Đáng chú ý, theo bà Loan công cụ Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) tại Việt Nam chưa được vận dụng một cách hiệu quả, nhiều địa phương thực hiện ENT khá sơ sài, không có phân tích đầy đủ, không tham vấn với các cơ sở bán lẻ tại địa phương. Điều này dẫn đến hiện tượng cấp phép cơ sở  bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài có lúc ồ ạt, dễ dàng. Bên cạnh đó, việc thiếu kiểm soát chặt chẽ quá trình thực thi, dẫn tới tình trạng vi phạm về phạm vi kinh doanh.

"Việc Việt Nam chủ động, tự nguyện mở cửa rộng hơn cam kết trong lĩnh vực bán lẻ là không cần thiết và vô tình đã tạo sức ép cạnh tranh cao hơn nữa cho cá nhà bán lẻ nội địa", bà Loan nhấn mạnh.

Chia sẻ tại tọa đàm GS.TSKH. Nguyễn Mại - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tạo nên sự cạnh tranh sôi động cho thị trường, là động lực phát triển cho doanh nghiệp. Cũng không phủ nhận những mặt trái của doanh nghiệp nước ngoài nhưng theo ông Mại việc cần thiết là phải nâng cao năng lực giám sát, quản lý của Nhà nước.

Góp ý về việc hoàn thiện quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Phạm Quốc Mạnh - Phó TGĐ Tập đoàn Phú Thái cho rằng cần bám sát mục tiêu để mở cửa kinh tế. Không thể cưỡng lại xu thế thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng cần xây dựng lộ trình mở cửa, tiếp nhận đầu tư phù hợp để đạt được mục tiêu thích hợp với từng khu vực, địa phương. Ngoài ra, cũng cần làm rõ các khái niệm như hàng việt, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ... để khi thực thi doanh nghiệp và địa phương không lúng túng.  

Đại diện một doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước nhận định rằng các doanh nghiệp bán lẻ của nước ngoài vốn đã có thế mạnh cốt lõi, tiềm lực tài chính tốt lại được hưởng thêm nhiều chính sách ưu đãi đầu tư. Điều này càng làm tăng sức ép lên chính các doanh nghiệp trong nước. Do đó, để các nhà phân phối trong nước mạnh mẽ hơn, cần có chính sách quản lý hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, TS. Vũ Quang Hùng gửi lời cảm ơn và ghi nhận những ý kiến, góp ý đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là những đóng góp quan trọng, giúp cho các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tham khảo làm cơ sở để đề xuất kịp thời những chính sách và giải pháp phù hợp, hiệu quả và góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Nguồn: Tạp chí Thương Trường