Theo đánh giá của các chuyên gia, cần thúc đẩy việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, bằng cách tăng cường sự kết nối giữa các ngành công nghiệp, giữa các vùng nội địa và giữa các vùng khác nhau.
Đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu
Báo cáo Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ rõ, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực này đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, nâng cao trình độ công nghệ của người Việt Nam, đồng thời tăng năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Khu vực FDI đã trở thành đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, với tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm lớn hơn 70% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước, và cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI có thặng dư lớn. So sánh với các nước trong ASEAN giai đoạn 2015-2019, chỉ có 4 nước: Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam có hàm lượng xuất khẩu công nghệ cao trung bình trên 30%. Điều này cho thấy Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực về tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng lên đáng kể. Tỷ trọng này đã tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020 và 86,2% năm 2021. Đây cũng là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện VEPR, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu. Đa số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài và tập trung vào tận dụng chi phí về nhà xưởng, lao động và các ưu đãi về thuế thay vì phát triển chuỗi cung ứng. Số lượng doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn trong việc thực hiện chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu là từ công ty mẹ tại nước ngoài cho công ty con tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với đối tác nước ngoài chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Một số ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, và chỉ có một số ngành như da giày đã đạt được tỷ trọng công nghệ cao cấp hơn. Về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí thấp (thứ 90/100), trong đó công nghệ nền tảng thứ 92/100, năng lực đổi mới sáng tạo (thứ 77/100), FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100 (World Economic Forum, 2019). Do đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% trong tổng giá trị xuất khẩu, trong khi các nước trong khu vực là 80%, thấp như Philippines cũng chiếm 50%. Điều này cho thấy Việt Nam cần nỗ lực hơn để nâng cao trình độ công nghiệp hóa và chuyển giao công nghệ.
Đánh giá lại các chính sách hỗ trợ, hoàn thiện môi trường kinh doanh
Phát biểu tại Hội thảo Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho rằng, để tăng cường mối liên kết giữa FDI và các doanh nghiệp Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị, dù vậy dường như là các công ty của Việt Nam mới chỉ tham gia vào thang bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu mà vẫn chưa được kết nối 1 cách đầy đủ với các doanh nghiệp FDI.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI còn hạn chế do nội lực doanh nghiệp Việt yếu vì vậy việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội là bài toán cần quan tâm giải quyết, yêu cầu doanh nghiệp Việt phải tích cực, chủ động tăng cường liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường sự kết nối giữa các ngành công nghiệp, giữa các vùng nội địa và giữa các vùng khác nhau. Đồng thời, cũng rất cần nhận diện những tác động chính sách từ cấp vĩ mô.
Để mối liên kết này hiệu quả như mục tiêu thu hút đầu tư FDI của Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Việt chia sẻ, cần đánh giá lại toàn thể các chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, công nghiệp hỗ trợ là thị trường đang và sẽ có nhu cầu lớn, tạo thời cơ thuận lợi thu hút đầu tư cho Việt Nam. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện cho hoạt động này hết sức quan trọng khi khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt hiện chỉ đạt khoảng 36% - thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ.
Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp nội địa nói riêng. "Nếu không sớm quan tâm và thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt thì hiệu quả thu hút FDI sẽ không cải thiện nhiều trong thời gian tới. Vì thế, phải làm tốt điều này, bởi đó là điều kiện cần để bức tranh kinh tế Việt Nam thực sự tươi sáng hơn với những dấu ấn đậm nét hơn ở chuỗi cung ứng toàn cầu, trong nỗ lực thu hút FDI", Phó Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh.
Nguồn: Tạp chí Hải quan
- Quy định mới của EU về ấn định thuế nhập khẩu đối với gạo lứt nhập khẩu vào EU áp dụng từ ngày 06/9/2024.
- Chính thức cấp phép xuất khẩu chanh leo sang Australia
- Siêu bão Yagi càn quét miền Bắc, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề
- Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam
- Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024