Đến hết tháng 8/2023, cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 97,86%.

Việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để chuẩn bị cho lần kiểm tra thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC), Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra quyết liệt tại nhiều địa phương.

Xử lý nghiêm minh các sai phạm đã phát hiện

Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành 2 nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định chống khai thác IUU. Việc này sẽ được hoàn thành trước khi Đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4.

Việc sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển được xử phạt vi phạm trong khai thác sản. Như vậy, trên biển sẽ có các lực lượng thực thi pháp luật, gồm: Ban quản lý cảng cá, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và thanh tra thủy sản. Cùng với đó là các thiết bị giám sát để lực lượng chức năng có thể "phạt nguội" như trên đường bộ.

Điều này sẽ phát huy ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cũng như công khai minh bạch những hành vi vi phạm mà trước nay chưa xử lý được.

Về quản lý đội tàu, thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, đến hết tháng 8/2023, cả nước đã giảm gần 10 nghìn tàu cá so với năm 2019. Tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase. Một số địa phương đã triển khai xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 8/2023, cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 97,86%. Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý. Hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…

Khi tàu cá tham gia hoạt động trên biển, lực lượng biên phòng địa phương kiểm tra, kiểm soát điều kiện của tàu cá theo quy định trước khi xuất bến, nhập bến. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.

Truy xuất nguồn gốc cụ thể

Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống IUU tại các địa phương thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận: "Trong quản lý tàu cá khâu quan trọng là kiểm tra nhật ký khai thác. Qua kiểm tra trực tiếp, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tình trạng tàu cá khai thác sai vùng, sai tuyến quy định. Do đó, các lực lượng chức năng phải tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm khắc với các tàu vi phạm vùng biển khai thác".

Để chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng muốn dừng việc tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Quốc phòng. Các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp tốt với các bộ, ngành tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Các đơn vị theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, đảm bảo các tàu thực hiện đúng quy định bật thiết bị VMS khi tham gia khai thác hải sản. Các lực lượng chức năng thực thi pháp luật thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong thi hành công vụ, điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Đặc biệt tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về VMS mà Trung tâm Thông tin thủy sản đã gửi địa phương; tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: "Bên cạnh việc tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc địa phương khắc phục các tồn tại, hạn chế, Bộ NN&PTNT chỉ đạo cụ thể với từng tỉnh, thành phố, chứ không chỉ đạo chung cho 28 tỉnh, thành ven biển như trước đây.

Các đơn vị phải quản lý được lượng tàu vào cảng, số lượng hải sản khai thác cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc phải rất cụ thể, chính xác. Hàng hóa truy xuất nguồn gốc đưa đến các nhà máy chế biến xuất khẩu phải chi tiết. Nghiêm cấm hành vi hợp thức hóa hồ sơ với các lô hàng thủy sản xuất khẩu".

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ