Tại thị trường Hàn Quốc, thị phần cao su của Việt Nam đang bị thu hẹp so với cùng kỳ năm 2022, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Đức… tăng so với cùng kỳ năm 2022

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt khoảng 110 nghìn tấn, trị giá 149 triệu USD, tăng 25,4% về lượng và tăng 22,6% về trị giá so với tháng 4/2023. Tuy nhiên so với tháng 5/2022 giảm 3,6% về lượng và giảm 23,4% về trị giá.

Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 5/2023 ở mức 1.358 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 4/2023 và giảm 20,5% so với tháng 5/2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su ước tính đạt khoảng 580 nghìn tấn, trị giá 803 triệu USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

4 tháng đầu năm 2023, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), SVR 10, SVR 3L, RSS3, Latex, SVR CV60, SVR 20...

Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 67,43% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 316,69 nghìn tấn, trị giá 435,39 triệu USD, tăng 8,5% về lượng, nhưng giảm 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,79% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 316,03 nghìn tấn, trị giá 433,99 triệu USD, tăng 8,6% về lượng, nhưng giảm 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng lưu ý, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc. Mặc dù vậy, thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 12,47 nghìn tấn, trị giá 18,92 triệu USD, tăng 5,6% về lượng, nhưng giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.517 USD/tấn, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR 10 được xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất, chiếm 28,05% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR CV60, chiếm 24,53% và SVR 3L chiếm 14,44% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023 hầu hết đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là SVR 10 giảm 21,6%; SVR 20 giảm 20,2%; RSS3 giảm 19,9%; SVR CV60 giảm 19,5%...

Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, hiện Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc.

Trong 5 thị trường cung cấp lớn nhất này, Hàn Quốc tăng lượng nhập khẩu từ Indonesia và Trung Quốc, nhưng lại giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 9,67 nghìn tấn, trị giá 15,32 triệu USD, giảm 32,3% về lượng và giảm 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Thị phần cao su Việt Nam chiếm 5,88% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, giảm mạnh so với mức 8,36% của 4 tháng đầu năm 2022.

Tại thị trường Hàn Quốc, thị phần cao su của Việt Nam đang bị thu hẹp so với cùng kỳ năm 2022, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Đức… tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thị trường thế giới, mới đây, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) đã công bố báo cáo thống kê thị trường cao su tự nhiên toàn cầu tháng 4/2023. Theo đó, trong tháng 4/2023, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 896 nghìn tấn, tăng 1,5% so với tháng 4/2022. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu tăng 2,5% so với tháng 4/2022 lên 1,241 triệu tấn.

Do đó, thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 345 nghìn tấn cao su tự nhiên trong tháng 4/2023. ANRPC dự báo, năm 2023 nguồn cung cao su toàn cầu sẽ tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu.

Nguồn: VnEconomy