Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Luật CLSPHH) nhằm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP.

Xác định vấn đề bất cập

Các điều luật thi hành nghĩa vụ chủ yếu của Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP... cần được rà soát, xem xét với các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp từ đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Luật này cho phù hợp.

Ví dụ về thuật ngữ “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau” trong Hiệp định CPTPP là các thỏa thuận quốc tế hoặc khu vực (bao gồm cả thỏa thuận thừa nhận đa phương) giữa các tổ chức công nhận thừa nhận tính tương đương của các hệ thống công nhận (dựa trên cơ sở xem xét tương đương) hoặc giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp. Trong khi đó, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 127/2007/NĐ-CP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 hiện nay chỉ đề cập đến thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp, nhưng chưa đề cập rõ đến thừa nhận giữa các tổ chức công nhận.

Về thuật ngữ “Kiểm tra” trong Hiệp định CPTPP là hoạt động khẳng định tính chính xác của mỗi kết quả đánh giá sự phù hợp, chẳng hạn yêu cầu thông tin từ tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc tổ chức công nhận, phê duyệt, cấp phép hoặc thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp, nhưng không bao gồm các quy định bắt buộc một sản phẩm được đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của Bên nhập khẩu phải thực hiện lại việc đánh giá sự phù hợp đã làm đối với sản phẩm tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu hoặc bên thứ ba, ngoại trừ vì mục đích theo dõi giám sát ngẫu nhiên, đột xuất hoặc cần trả lời thông tin về sự không phù hợp của sản phẩm.

Trong khi đó, đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp hiện nay tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa có quy định về việc kiểm tra hoạt động khẳng định tính chính xác của mỗi kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài. Đối với kết quả đánh giá sự phù hợp thì theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu, trong đó có quy định phải thực hiện việc đánh giá sự phù hợp trừ trường hợp kết quả đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu đã được thừa nhận hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định tại Việt Nam nhưng thực hiện hoạt động đánh giá tại nước xuất khẩu. Còn đối với hàng hóa nhóm 1 thì không quy định phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

Trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP quy định không được yêu cầu tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành thử nghiệm hoặc chứng nhận sản phẩm, hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành kiểm định phải đặt tại lãnh thổ của mình; Không được đưa ra yêu cầu bắt buộc các tổ chức đánh giá sự phù hợp nằm ngoài lãnh thổ phải mở văn phòng hoạt động trên lãnh thổ của Bên đó; Phải cho phép các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lãnh thổ của các Bên khác nộp hồ sơ để xác nhận rằng họ đã tuân thủ theo các quy trình, tiêu chí và những điều kiện khác mà Bên đó yêu cầu để chấp nhận năng lực của các tổ chức này hoặc để cho phép họ tiến hành thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm hoặc tiến hành kiểm định.

Tuy nhiên, hiện nay tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định tổ chức chứng nhận nước ngoài phải thành lập Chi nhánh tại Việt Nam và thực hiện đăng ký theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.

Do đó, nhằm thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán, như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP... việc rà soát các nội dung quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật trong hơn 14 năm qua, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như quy định về Hợp pháp hóa lãnh sự; khái niệm Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau; khái niệm kiểm tra/xác minh; quy định về phí thực hiện đánh giá sự phù hợp; quy định về giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp...

Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật các quy định liên quan về tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài; thừa nhận kết quả công nhận của tổ chức công nhận.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án đối với vấn đề này. Phương án 1 là giữ nguyên quy định như hiện nay. Phương án 2 là sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các nội dung nêu trên.

Nếu triển khai theo phương án 1, về mặt tích cực, đối với Nhà nước sẽ không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật. Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành.

Phương án không có tác động đối với hệ thống pháp luật do quy định không thay đổi. Tuy nhiên, giải pháp này chưa phù hợp hoàn toàn với thông lệ quốc tế, nghĩa vụ của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước, chưa thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết. Đối với tổ chức, cá nhân chưa được thừa hưởng đầy đủ lợi ích từ các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết.

Nếu triển khai theo phương án 2, về mặt tích cực, đối với Nhà nước sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết. Đối với tổ chức, cá nhân sẽ được thừa hưởng đầy đủ lợi ích từ các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết.

Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt. Việc áp dụng các quy định không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, không có tác động tới bộ máy nhà nước, không cần bổ sung điều kiện thi hành, không tác động tới các quyền cơ bản của công dân. Phương án này cũng phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, phù hợp với nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết.

Nguồn: Tạp chí điện tử VietQ