Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, đã gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1.

14 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý 1 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD. Theo đó, ở chiều xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,33 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,24 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 14,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 16%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 14,4%.

Tính chung quý 1, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.

Đáng chú ý, trong quý 1 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%). Theo đó, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 70,24 tỷ USD, chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD, chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 2,3%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 35,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỷ USD, tăng 18,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 11,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13%.

Tính chung quý 1, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 70,22 tỷ USD, chiếm 93,5%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

Như vậy, với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý 1, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu quý 1, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho biết, nếu xét theo nhóm hàng đã có 35/45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có sự tăng trưởng âm trong quý 1 và chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu. Trong đó có một số nhóm hàng chủ lực giảm mạnh như: gỗ và các sản phẩm về gỗ giảm 28,3%; linh kiện giảm 15%; dệt may giảm 17,4%; điện, máy tính linh kiện giảm 10,9%...

Về thị trường, những con số trên cũng cho thấy sự sụt giảm ở hầu hết các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nếu so với quý 1/2022, có thể thấy thực trạng xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong quý 1/2023 đang rất đáng lo ngại, do nhu cầu tiêu dùng của thế giới ngày càng sụt giảm, dẫn tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Phong, bức tranh xuất nhập khẩu quý 1 vẫn còn những điểm sáng. Thứ nhất, trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm và suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia thì xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn giữ được quy mô tương đương với quý 1/2021. Thứ hai, dù chúng ta đã sụt giảm cả về xuất khẩu và nhập khẩu nhưng vẫn giữ được cán cân thương mại quý 1 tăng 4,07 tỷ USD, cao hơn mức 1,9 tỷ USD (2022) và 2,5 tỷ USD (2021).

Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho rằng, cần tiếp tục tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nỗ lực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt là cần theo dõi sát diễn biến của các nền kinh tế lớn trên thế giới, có ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại song phương với Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản để từ đó kịp thời đưa ra các cảnh báo thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá ngành hàng, giảm bớt lệ thuộc với các thị trường, ngành hàng truyền thống như Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La tinh. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hiệu quả, điều tiết tốc độ thông quan hàng hoá xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu thuộc biên giới Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các ngành hàng nông sản, thuỷ sản mang tính chất thời vụ, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.

Nguồn: Tạp chí Hải quan