Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ, kiểm dịch thực vật tại địa phương thực hiện.

Ngày 23/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; Cục Bảo vệ thực vật về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ, kiểm dịch thực vật tại địa phương thực hiện.

Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.

Toàn bộ các thông tin về diện tích, sản lượng, sự đồng thuận các hộ nông dân tham gia vào vùng trồng cũng như các điều kiện kỹ thuật khác phải được các cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, xem xét đầy đủ trước khi gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật. Cơ quan chuyên môn địa phương lưu trữ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của hồ sơ.

Trường hợp xuất khẩu, các địa phương rà soát các mã số đã cấp, đối chiếu với quy định của nước nhập khẩu và tập hợp danh sách báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật để gửi nước nhập khẩu để được nước nhập khẩu phê duyệt hoặc cấp mã số. Nước nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi phê duyệt và cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói này.

Cơ quan chuyên môn địa phương giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.

Thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng, cơ sở đóng gói này luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tần suất giám sát là tối thiểu một lần/năm, đối với vùng trồng thì thực hiện giám sát trước vụ thu hoạch.

Cùng với đó là sẽ phải thực hiện thu hồi mã số đã cấp với các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đáp ứng quy định của nước nhập khẩu hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc phát hiện vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm nhiều lần hoặc phát hiện gian lận, tranh chấp trong sử dụng mã số.

Các địa phương chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc  đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Cùng đó, tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong việc giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu; thực hiện kiểm tra thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến) định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cung cấp các thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu biết và chủ động thực hiện các quy định này.

Cục Bảo vệ thực vật tổng hợp danh sách các mã số mã số vùng trồng theo đề nghị từ các địa phương, thực hiện đàm phán để được nước nhập khẩu phê duyệt, cấp mã số./.

Nguồn: BNews