Tình trạng sụt giảm đơn hàng tại các thị trường lớn trong những tháng đầu năm đã khiến kim ngạch xuất khẩu (XK) giảm liên tiếp. Trước thực tế trên, nhiều giải pháp để ngăn chặn đà giảm tốc XK đã được triển khai trong đó có giải pháp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các FTAs để mở rộng thị trường XK, đa dạng hoá ngành hàng và tìm kiếm cơ hội từ thị trường ngách.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước đều có dấu hiệu khó khăn. Trong đó, XK gặp khó ở nhiều mặt hàng và nhiều thị trường. Trong đó, XK dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh. Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường XK chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, những tháng đầu năm doanh nghiệp (DN) dệt may bị sụt giảm đơn hàng, tuy nhiên, tới thời điểm này đã bắt đầu có đơn hàng trở lại ở một số thị trường nhưng sự hồi phục chưa tăng đáng kể và chỉ trong ngắn hạn. Trước tình thế khó khăn như hiện nay, buộc các DN dệt may phải xoay chuyển tình thế bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới cả trong nước và ngoài nước. Giảm chi phí, cấu trúc lại bộ máy, tiếp tục tìm nguồn vốn để tái đầu tư về công nghệ, giảm bớt lao động, tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, việc tận dụng các FTAs đã ký là một giải pháp để gia tăng mở rộng thị trường XK, theo đó, bên cạnh các thị trường truyền thống thì DN đã tìm đường sang Australias, Canada… để tìm kiếm những đơn hàng mới.

Ông Ngô Trần Hiệp, Phụ trách xuất nhập khẩu Công ty CP vận tải Thái Việt Trung cho biết, đơn hàng của công ty thực hiện tại khu vực cửa khẩu đã tăng hơn trước, nhất là hàng hoá qua cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn. Trung Quốc mở cửa nên việc thông thương được thuận lợi hơn rất nhiều.

Để đẩy mạnh XK rau quả sang Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất khẩu Đồng Giao cho rằng, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng là rất quan trọng, trong đó có việc tích cực tham gia các hội chợ tại Trung Quốc. Do đó, DN mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện để các DN Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trong thời gian tới.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh XK sang một số thị trường như Trung Quốc, Nam Á, châu Phi, v..v…Đối với thị trường Nam Á, Bộ Công Thương tiếp tục đặt sự quan tâm vào thị trường Ấn Độ với sức mua và nhu cầu thị trường lớn (1,4 tỉ dân). Hàng năm, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 560 tỷ USD. Việt Nam XK sang Ấn Độ 8 tỷ USD, chỉ chiếm 1,4%. Song song đó, thị trường Bangladesh, Pakistan cũng sẽ được chú trọng như là bàn đạp thúc đẩy XK sang thị trường Ấn Độ. Đối với thị trường châu Phi, đây là khu vực cần chú trọng phát triển bởi dư địa còn rất lớn, Việt Nam mới chiếm 0,6% thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD của châu Phi mỗi năm, bên cạnh đó, thị trường Nam Phi cũng là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước.

Đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường là một trong những giải pháp được DN triển khai trong thời gian qua nhất là trong thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay. Để tiếp cận thị trường thì cần hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của nước sở tại. Theo đó, thông tin cập nhật của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng trong việc kết nối cung - cầu và quảng bá sản phẩm.

Đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường là một trong những giải pháp được DN triển khai trong thời gian qua nhất là trong thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay. Để tiếp cận thị trường thì cần hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của nước sở tại. Theo đó, thông tin cập nhật của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng trong việc kết nối cung - cầu và quảng bá sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Bộ Công Thương tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các DN xây dựng, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước để mở rộng, đa dạng hóa thị trường... Ngành Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, tận dụng các FTA để gia tăng XK. Đồng thời, tăng cường định hướng, hỗ trợ các địa phương, DN chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy XK bền vững.

Nguồn: Báo Công An Nhân Dân