Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Thay đổi tư duy sản xuất để mở rộng thị trường

Để tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu, nắm bắt tiềm năng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia đã nỗ lực để tìm hướng đi cho mình.

Đại diện công ty cho biết, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, việc xuất khẩu thịt gà sang thị trường châu Âu là mơ ước của công ty và công ty liên tục phấn đấu cho mục tiêu có thịt gà xuất khẩu vào giai đoạn 2023-2024 và mở rộng xuất khẩu năm 2025. Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu thịt gà sang thị trường châu Âu, từ năm 2016 đến nay Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia đang là đầu mối trong chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, giết mổ, bảo quản và tiêu thụ thịt gà.

Trong chuỗi quy trình đó, công ty có Phòng kiểm nghiệm đạt chứng nhận ISO 1705 với khả năng phân tích gần 50 chỉ tiêu về thức ăn chăn nuôi và xét nghiệm bệnh trên vật nuôi. Tuy nhiên, đại diện Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia cho biết, để xuất khẩu được thịt gà, theo Quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của các nước, gia cầm, sản phẩm gia cầm phải xuất phát từ quốc gia, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; an toàn thực phẩm (sản phẩm chế biến). Theo thông lệ quốc tế các nước có dịch cúm gia cầm sẽ không được phép xuất khẩu gia cầm sống, sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến, muốn xuất khẩu được gia cầm và sản phẩm gia cầm phải đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc từ vùng hoặc ít nhất từ cơ sở an toàn dịch bệnh (tùy thuộc vào yêu cầu của nước nhập khẩu). Ngoài ra, còn hàng loạt tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật khác của từng nước mà ngành chăn nuôi gà Việt Nam phải đáp ứng mới có thể xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Huyền – CEO Công ty Cổ phần Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho rằng, để có thể chinh phục được thị trường khó tính, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của EU, Vinasamex đã từng bước một, từ nghiên cứu mô hình, vùng trồng, sản xuất đến con người. Muốn vào thị trường EU phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và cách tiếp cận, phải học theo các tiêu chuẩn của thị trường cao cấp, xây dựng chuỗi giá trị.

CEO Vinasamex cho biết, công ty đã nghiên cứu vùng trồng nguyên liệu, tập huấn cho người dân, nhân viên công ty tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng từ đầu vào tới đầu ra, đúng với cam kết sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo các yếu tố về môi trường và xã hội. Từ năm 2016, Vinasamex cũng đã đạt 4 chứng nhận hữu cơ quốc tế cao nhất của thị trường châu Âu, Mỹ, Nhận Bản, Hàn Quốc, khẳng định chất lượng của Vinasamex có thể đáp ứng được cho toàn thế giới ở chất lượng cao nhất.

Theo bà Huyền, thị trường EU và nhiều thị trường khó tính khác bên cạnh các tiêu chí để đạt được chứng nhận do các tổ chức quốc tế cấp thì họ cũng rất quan tâm tới những yếu tố tác động môi trường, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quan tâm tới cộng đồng, gia tăng về mặt sinh kế cho người dân… bởi đây là những điểm cộng cho việc đánh giá và tiếp cận đơn hàng một cách tốt và hiệu quả hơn.

Ông Ngô Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trên thế giới, nhất là ở châu Âu, xu hướng tiêu dùng xanh, sạch đã trở thành xu hướng chính thức chứ không còn là một thị trường ngách như trước đây. Nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Thời gian qua, các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được các cấp, ngành ban hành. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng nêu trên có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn và môi trường

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phủ phê duyệt Đề án tái tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 ban hành tại Quyết định 165/QĐ-TTg, các nhiệm vụ về tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu các ngành hàng gắn liền với các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Chẳng hạn với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn đến 2030 là nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa của Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao. Nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, phát thải carbon thấp và lao động. Với thị trường châu Âu, yêu cầu đặt ra là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao, các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu, hàng hóa môi trường và các bon thấp... nhằm khai thác tốt lợi thế về thuế của Hiệp định EVFTA, UKVFTA.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, phát triển xanh đang là xu hướng phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. “Cần lưu ý rằng, quá trình để đạt mục tiêu về trung hòa carbon sẽ làm chuyển dịch lợi thế so sánh xuất khẩu từ các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và năng lượng sang các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, xanh hơn. Nhận thức này rất quan trọng, các doanh nghiệp phải hiểu rõ vấn đề này”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.

Tại các thị trường nhập khẩu, xu hướng tiêu dùng “xanh” ngày càng được người tiêu dùng chú trọng. Chẳng hạn, tại thị trường Hàn Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, thị trường này hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già. Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.

Do đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài. Do đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.

Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định FTA, ở đó các tiêu chuẩn tham gia thị trường rất khắt khe, và đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng. Bên cạnh nỗ lực chuyển đổi từ phía doanh nghiệp thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý. Theo Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia lộ trình để xuất khẩu được thịt gà sang châu Âu theo OIE và Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT về việc quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật sẽ phải qua 5 nội dung. Trong đó có 2 nội dung doanh nghiệp chủ động thực hiện được, còn các nội dung khác liên quan đến nhiều cấp, ngành, cơ quan. Do đó, để xuất khẩu được thịt gà sang thị trường châu Âu cần xây dựng cụm cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà xuất khẩu để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nguồn: Tạp chí Hải quan