Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Coi kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh

Ngày 19/3 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên, phiên Cấp cao với chủ đề: Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, chú trọng thu hút các dự án mới xanh và có chất lượng cao hơn.

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Đầu tư mới ở mức độ khởi đầu

Tuy nhiên, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ, bởi theo Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Khảo sát doanh nghiệp của VCCI cho thấy mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh song mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường. Bên cạnh đó, có đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của doanh nghiệp còn hạn chế (37%). Đáng chú ý là mặc dù tới 91% doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn.

Ngoài ra, mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng ½ số doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Để góp phần hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, tới kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về kinh tế xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. VCCI đang xây dựng và sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm 2023. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, mức độ tuẩn thủ pháp luật về môi trường, thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường. Việc xây dựng, công bố Chỉ số Xanh cũng nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan Nhà nước trung ương và địa phương sử dụng trong hoạch định chính sách về đầu tư và môi trường, trong điều hành, quản lý nhà nước; thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của các địa phương. Chỉ số Xanh cấp tỉnh sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên đã đạt nhiều thành công qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Nguồn: Báo Hải quan