Mặc dù đạt được kết quả xuất khẩu kỷ lục trong năm 2022, tuy nhiên, năm 2023 ngành hàng tôm được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do biến động của thị trường. Vậy, cơ hội nào cho ngành hàng tôm trong năm 2023 để phấn đấu đạt được mục tiêu xuất khẩu như con số kỳ vọng?

Dự báo rất nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam lần đầu tiên đạt con số kỷ lục với 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, đồng thời cao hơn các năm 2019 với 3,4 tỷ USD, năm 2020 với 3,7 tỷ USD, năm 2021 với 3,9 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu tăng nhờ đơn hàng gối từ năm 2021 do dịch COVID-19 bị đình lại, đồng thời giá tôm tăng. Cùng với đó là những nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn, hệ lụy do ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột Nga – Ukraine, lạt phát tăng cao,...

Mặc dù đạt con số rất lớn trong năm 2022, tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam được dự báo sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Khi năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn).

Đáng chú ý là giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu rất khó khăn.

Với riêng các thị trường nhập khẩu, với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ dự báo chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý. Ngoài ra, tình trạng lạm phát, xung đột Nga – Ukraine cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm.

Nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này sẽ chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế khó khăn, sau đó mới phục hồi.

VASEP nhấn mạnh, xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn. Chỉ có thể dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý 2 năm 2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Điều này cũng thấy rõ, khi giá trị xuất khẩu tôm trong những tháng gần đây, nhất là tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 251 triệu USD, giảm mạnh với con số giảm 54,9%.

Cơ hội nào cho xuất khẩu tôm?

Năm 2023, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn đề ra mục tiêu đạt con số trên 4,3 tỷ USD – một con số rất cao trong bối cảnh dự báo thị trường có nhiều khó khăn, biến động, ảnh hưởng của lạm phát. Do đó, việc tìm các giải pháp để gỡ khó cho xuất khẩu tôm là vấn đề được ngành hàng rất quan tâm.

Để thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Một giải pháp trước tiên không thể không nhắc đến, đó là tập trung nâng cao chất lượng tôm của Việt Nam. Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm để đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Đi cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc gữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn và hạ giá thành cho sản phẩm.

Đối với các địa phương, tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn. Các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y… Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như: hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, cộng với giá vật tư đầu vào tăng cao. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2023 vẫn sẽ là một năm hết sức khó khăn, nhưng ngành hàng tôm vẫn mạnh dạn đề ra mục tiêu phấn đấu về kim ngạch xuất khẩu tôm từ bằng đến cao hơn năm 2022. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các đơn vị và địa phương, đặc biệt cần đảm bảo cho vụ nuôi thành công để tạo nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động trong chế biến, xuất khẩu.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Song hành với đó, ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Đối với các cơ quan chuyên môn, cần tăng cường công tác dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và các địa phương về giá cả, thị trường để kịp thời khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất.

Triển khai các chương trình xây dựng chuỗi giá trị tôm, trong đó có kết nối cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng để phục hồi sản xuất.

Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ NN&PTNT về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu, đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt trên 8,4 tỷ USD. Đến năm 2030, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 12 tỷ USD.

Để hiện thực hóa các mục tiêu như Quyết định 3475/QĐ-BNN-TCTS đã đề ra, và gần nhất là vượt qua được những khó khăn, thử thách, rào cản trong năm 2023 của xuất khẩu tôm đòi hỏi ngành hàng phải có rất nhiều quyết tâm, nỗ lực và cố gắng. Đó là những quyết tâm, nỗ lực trong khâu chuẩn bị vùng tôm nuôi nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tháo gỡ khó khăn từ các thị trường.

Những thử thách trong năm 2023 cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục biến những kinh nghiệm của những năm trước đây tiếp tục trở thành sức mạnh vững chắc để vượt qua những “sóng gió” trong năm 2023, đồng thời, linh động, linh hoạt trước những thay đổi, biến chuyển của thị trường để nắm chắc được những thời cơ, từ đó xoay chuyển tình thế, biến khó khăn trở thành cơ hội, biến thách thức trở thành động lực để tiếp tục vươn lên.

Năm 2023 đã đi được chặng đường đầu, dù vậy, vẫn còn thời gian để ngành hàng tôm phấn đấu, vượt khó, phá các rào cản để hướng tới con số xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD trong năm nay./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam