Kết thúc năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2021. Ngành hàng kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên trong năm 2023.

Tăng trưởng kém hơn năm COIVD-19

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 12/2022 đạt 1,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 875 triệu USD, tăng 15% so với tháng trước đó nhưng giảm 18,6% so với tháng 12/2021.

Kết thúc năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2021, riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 11 tỷ USD.

Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2022 đạt thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 19,7% trong năm 2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, nguyên nhân là dịch COVID-19, tình hình chính trị và xu hướng lạm phát tăng cao, nhất là tại thị trường lớn như Mỹ và EU, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký kết và thực hiện các đơn hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với chi phí đầu vào cao và xu hướng giá tăng, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh cũng làm sản xuất gỗ mất lợi thế cạnh tranh. Lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn cao, rủi ro gián đoạn nguồn cung nguyên liệu và chuỗi giá trị phục vụ cho ngành sản xuất gỗ.

Cụ thể, tại thị trường xuất khẩu quan trọng đối với ngành gỗ là Mỹ, năm 2022, hàng loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát đã đẩy lãi suất thế chấp trên thị trường nhà ở lên cao, khiến nhiều người Mỹ không thể mua được nhà.

Theo đó, trước áp lực của lạm phát gia tăng, tiêu dùng bị thắt chặt khiến nhu cầu giảm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ chỉ đạt 8,7 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021.

Năm 2023 kỳ vọng tăng trưởng 7-9%, có khả thi?

Cục Xuất nhập khẩu dự kiến lĩnh vực nhà ở tại Mỹ có thể sẽ vẫn yếu trong năm 2023, khiến nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm, là yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ sẽ chậm lại trong năm 2023.

Đối với thị trường EU, mới đây EU đã đạt được một thỏa thuận về dự luật mới, cấm các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu những sản phẩm nông nghiệp liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu, trong đó có mặt hàng gỗ.

Khi EU áp dụng luật mới, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU gặp nhiều thách thức hơn, nếu ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định mới từ nhà nhập khẩu.

Với tình hình hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan, khi người dân các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát.

Trong khi đó, theo VnEconomy, tại Hội nghị Tổng kết năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), nhận định nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý II/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%.

Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Và ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên trong năm 2023.

Đại diện Viforest cũng khuyến cáo doanh nghiệp ngành gỗ cần tìm cách giảm chi phí sản xuất, giúp các nhà nhập khẩu có nhiều "không gian" để khuyến mại sản phẩm. Một số cách được ông Lập nêu ra như hạn chế sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực quản trị.

“Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng thông qua việc cải tiến mẫu mã, tập trung vào các nhóm hàng có giá trị cao, hướng đến mở văn phòng đại diện tại các thị trường chính để giới thiệu sản phẩm”, ông Lập khuyến nghị.

Nguồn: VietnamBiz