GS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu luôn được các doanh nghiệp coi trọng và mong muốn thực hiện.

Ông nhận định như thế nào về những vấn đề ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023?

- Tiếp đà từ năm 2022, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt những kỷ lục mới, trong đó kim ngạch xuất khẩu có thể vượt mốc 400 tỷ USD – một con số chưa từng có. Đây chính là bước đệm giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt con số 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập năm 2023 có thể gặp những khó khăn cục bộ như biến động thị trường năng lượng, bất ổn kinh tế thế giới do xung đột Nga-Ukraine, suy giảm tổng cầu do lạm phát, gián đoạn nguồn cung…

Trong nước, điều kiện thương mại có lợi cho xuất khẩu Việt Nam như giá lương thực, thực phẩm, nông sản tăng lên giúp tăng kim ngạch, nhưng hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh kiểm dịch, quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng… cũng chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, vấn đề cạnh tranh giành thị trường xuất khẩu, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ các quốc gia trong khu vực cũng có thể làm giảm FDI vào Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông đánh giá như thế nào về những tác động của các FTA thế hệ mới đến xuất khẩu của Việt Nam trước những biến động như trên?

- Các FTA thế hệ mới tạo thị trường rộng và sâu cho xuất khẩu hàng Việt Nam do giảm thuế gần như về 0% giúp giảm chi phí, đơn giản thủ tục và tạo lợi thế xuất khẩu. Đồng thời, các FTA còn giúp mang đến thế mạnh nguồn lực như lao động giá thấp, tận dụng nguồn vốn dồi dào và công nghệ cao từ các tập đoàn xuyên quốc gia, xây dựng được thành chuỗi cung ứng… Mặc dù các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao nhưng vẫn có tác động vượt kỳ vọng. Nên các FTA được coi như công cụ lấn lướt được biến động thị trường kinh tế thế giới và diễn biến đại dịch Covid-19.

Khi tận dụng hiệu quả các FTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuyển lợi thế thành lợi ích. Các FTA này còn khẳng định sự tự tin của Việt Nam trong thực thi các cảm kết quốc tế, cho thấy Việt Nam sẵn sàng tham gia sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Đây chính là động lực để cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại Việt Nam cho hoạt động xuất khẩu. Kết hợp với các lợi thế về vốn, công nghệ, mạng lưới và thương hiệu toàn cầu thì các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có lợi thế so sánh về tạo lợi ích thương mại đáng kể.

Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới có những thách thức nhất định như tính chuẩn xác cao trong tuân thủ để được hưởng mức giảm thuế sâu trong thời gian ngắn, yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ, yêu cầu về môi trường, tiêu chuẩn lao động cùng nhiều hàng rào kỹ thuật và phi kỹ thuật. Các FTA đều đòi hỏi xây dựng chuỗi giá trị chặt chẽ và khoa học, tối ưu hoá lợi ích và bảo đảm quan hệ đối tác lâu dài. Đây là thách thức trong đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu đầu tiên về nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đến khâu cuối cùng là dịch vụ sau bán hàng.

Từ những vấn đề nêu trên, đâu là khuyến nghị với cơ quan nhà nước để tận dụng những cơ hội và hạn chế những thách thức trong thực thi FTA nhằm giúp xuất khẩu 2023 bứt tốc, thưa ông?

- Để đáp ứng tốt trong thực thi FTA, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, bằng những giải pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp nền tảng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp.

Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu để tiết kiệm tối đa chi phí. Với các doanh nghiệp, yêu cầu về sự minh bạch, bình đẳng, thân thiện, hợp tác của môi trường kinh doanh luôn được coi trọng, nhằm giảm khâu trung gian và chi phí không chính thức. Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi kinh doanh và thương mại cả về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và hạ tầng xã hội phải được thực hiện hiệu quả và hiệu năng, tạo khác biệt tích cực thì mới tạo được kết quả đột phá.

Các doanh nghiệp cần nghiên cứu và nắm vững các yêu cầu của FTA thế hệ mới về quy định xuất xứ, tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn lao động, kinh doanh có trách nhiệm và đầu tư đáp ứng các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và phi kỹ thuật. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư xây dựng thương hiệu, kết nối trong mạng lưới, cải tiến chất lượng, áp dụng mô hình kinh doanh mới, kết hợp thương mại truyền thống với thương mại điện tử, đẩy mạnh quảng bá và có giải pháp dự báo phòng ngừa rủi ro.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần tích cực đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu, có chiến lược tạo nguồn hàng xuất khẩu quy mô lớn, xây dụng hệ thống thông tin thị trường, thông tin về FTA, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ chuyên gia thương mại để tư vấn chính sách hiệu quả và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Hải Quan