Việc các sản phẩm dầu mỏ của Nga bị cấm xuất khẩu vào châu Âu từ ngày 5-2-2023 được đánh giá sẽ là động thái gây ra những thay đổi lớn trong giao dịch dầu diesel toàn cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro với các nền kinh tế. Để hạn chế tối đa tác động của "cơn sốt" dầu diesel hiển hiện tại châu Âu, các bên liên quan cần sớm có giải pháp điều phối “giảm nhiệt” phù hợp.

Lệnh cấm các sản phẩm dầu mỏ của Nga dự kiến có hiệu lực vào ngày 5-2 tới, đã thúc đẩy làn sóng gấp rút tìm dầu diesel để đổ đầy các bể chứa dầu châu Âu. Hệ quả là, lượng mua dầu diesel của châu Âu trong tháng 1-2023 đang trên đà đạt mức cao nhất trong một năm.

Theo Công ty phân tích Vortexa, nhập khẩu dầu diesel của châu Âu từ Nga đạt trung bình 770.000 thùng mỗi ngày từ đầu năm 2023 tới nay, cao nhất kể từ tháng 3-2021. Cùng kỳ, lượng dầu diesel từ châu Á và Trung Đông - hai khu vực dự kiến sẽ “gánh” phần lớn lượng dầu diesel xuất khẩu sang châu Âu sau khi lệnh cấm có hiệu lực, cũng tăng mạnh.

Trong khi đó, theo lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU), nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển thực tế đã “đóng băng” từ ngày 5-12-2022, trong khi các sản phẩm dầu mỏ của Nga sẽ chính thức dừng từ ngày 5-2-2023. Cùng với đó, EU, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Australia… từ ngày 5-12-2022 vừa qua cũng đã áp dụng mức giá trần đối với dầu thô Nga.

Như vậy, các nước ngoài EU tuy có thể tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển, nhưng các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô dầu thô của Nga trên toàn cầu sẽ bị cấm, trừ khi được bán dưới 60 USD/ thùng. Nói cách khác, châu Âu sẽ mất đi nguồn cung dầu diesel có được từ pha trộn các sản phẩm chưng cất trung bình của Nga, nâng cấp và khử lưu huỳnh các loại dầu thô ngoài thông số kỹ thuật của Nga...

Nguồn cung bị bó hẹp trong bối cảnh phụ thuộc nhiều vào dầu diesel nhập khẩu dẫn đến lo ngại về gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội ở châu Âu. Số liệu của Vortexa cho thấy, Lục địa già đã mua khoảng 220 triệu thùng dầu diesel từ Nga trong năm 2022 để vận hành máy móc sản xuất, sử dụng phương tiện vận tải cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo các nhà phân tích, thời gian tới, khu vực này sẽ phải tìm cách bù đắp lượng thiếu hụt (khoảng nửa triệu thùng dầu diesel/ngày) từ các nguồn cung mới, tiềm năng từ châu Á và Trung Đông.

Đáng ngại hơn là vấn đề giá thành. Việc có thêm nhiều bên tìm cách mua dầu Nga để chuyển tới châu Âu chắc chắn dẫn tới giá gốc tăng trong ngắn hạn. Lợi nhuận mà một nhà máy lọc dầu kiếm được từ việc lọc dầu thô thành dầu diesel trong nửa đầu năm 2023 có thể đạt khoảng 38 USD/thùng, cao hơn gấp đôi mức trung bình của giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022. Cùng với đó, việc vận chuyển nhiên liệu từ Nga vào Tây Bắc Âu thường mất một tuần, trong khi hàng hóa từ phương Đông mất trung bình tới 8 tuần. Dự báo, nhu cầu tàu chở nhiên liệu tinh chế năm 2023 sẽ tăng 7,2% so với quý IV-2022. Quãng đường vận chuyển dài hơn và nhu cầu tàu chở dầu vào châu Âu gia tăng đương nhiên khiến chi phí vận chuyển tăng.

Hy vọng "giảm nhiệt" duy nhất lúc này là khả năng các dự án lọc dầu mới được đưa vào vận hành ngay trong năm 2023. Một số dự án tiêu biểu là: Nhà máy lọc dầu Jizan có công suất 400.000 thùng/ngày ở Saudi Arabia; nhà máy lọc dầu có công suất 650.000 thùng/ngày Dangote ở Nigeria, nhà máy lọc dầu al-Zour có công suất 615.000 thùng/ngày ở Kuwait...

Trước những rủi ro hiện hữu, hơn bao giờ hết châu Âu cần có những giải pháp điều phối kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra cuộc khủng hoảng dầu diesel. Điều này còn góp phần tránh gây ra sự đảo lộn dòng chảy diesel trên toàn cầu, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường cho các nền kinh tế.

Nguồn: Báo Hànộimới