Đối với Canada, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi một sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Canada.

Lý do Canada công bố chiến lược

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới và đến năm 2030, đây sẽ là nơi sinh sống của 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu. Đây cũng là khu vực có tới 6/13 đối tác thương mại hàng đầu của Canada.

Chiến lược của Canada nhấn mạnh rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nhanh chóng trở thành trung tâm toàn cầu của sự năng động kinh tế và thách thức chiến lược. Nội dung chiến lược nêu rõ rằng mọi vấn đề quan trọng đối với người dân nước này - bao gồm an ninh quốc gia, kinh tế thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị dân chủ, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và quyền con người - sẽ được định hình bởi các mối quan hệ cùng các đồng minh và đối tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Canada cho rằng khả năng duy trì bầu trời mở, hệ thống thương mại và xã hội mở cũng như ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc một phần vào điều gì sẽ xảy ra tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới. Canada xác định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng trong định hình tương lai của Canada trong nửa thế kỷ tới.

Canada cũng nhận thức được rằng trong khu vực kinh tế năng động này, sự trỗi dậy của Trung Quốc là yếu tố toàn cầu trong việc định hình tầm nhìn chiến lược của mỗi quốc gia trong khu vực, bao gồm Canada. Nhiều đồng minh thân cận nhất của Canada như Mỹ, EU, Đức, Pháp và Anh đều đã hoặc đang cân nhắc gia tăng sự hiện diện của mình ở khu vực này trên cơ sở lợi ích và chiến lược riêng của mỗi nước, và đó cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy Canada đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này.   

Thay đổi mang tính thế hệ

Khi công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Canada cho biết khu vực này đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Canada.

Đối với Canada, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi một sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Canada, để bảo đảm rằng, người dân nước này và khu vực được hưởng lợi từ sự tham gia của Canada. Chính vì vậy, trong chiến lược của mình, Canada đã đặt ra 5 mục tiêu và sáng kiến chiến lược: Thứ nhất là thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và an ninh. Sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đánh giá có vai trò thiết yếu đối với toàn cầu, theo đó Canada sẽ đầu tư để tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, củng cố năng lực tình báo và an ninh mạng để thúc đẩy an ninh trong khu vực và đảm bảo sự an toàn của công dân ở trong nước.

Thứ hai là mở rộng thương mại, đầu tư và sự phục hồi của chuỗi cung ứng. Canada sẽ nắm bắt các cơ hội kinh tế bằng cách tăng cường và đa dạng hóa các quan hệ đối tác trong khu vực, đồng thời xây dựng nền kinh tế nội địa mạnh mẽ và an toàn hơn. Nước này cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu tư hiệu quả, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh cạnh tranh và củng cố trật tự kinh tế khu vực cởi mở, bền vững hơn và có thể dự đoán được.

Thứ ba, đầu tư và kết nối giao lưu nhân dân giữa Canada với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm của chiến lược này. Ottawa sẽ mở rộng hợp tác giáo dục, tăng cường năng lực xử lý thị thực, đồng thời khuyến khích các chuyên gia nước này tham gia nhiều hơn vào các vấn đề khu vực... Canada cũng sẽ tăng cường hỗ trợ quốc tế về nữ quyền để giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển trong khu vực, thúc đẩy những nỗ lực tập thể hướng tới Mục tiêu Phát triển bền vững, tiếp tục tham gia và bảo vệ quyền con người trong khu vực.

Thứ tư là xây dựng tương lai xanh và bền vững. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Đây cũng là nơi có nhiều nền kinh tế đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - nhân tố sẽ tác động đáng kể đến sự bền vững của môi trường. Thông qua những mối quan hệ đối tác mới và mở rộng trong khu vực. Canada sẽ hỗ trợ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững và ít carbon. Ottawa cũng sẽ chia sẻ chuyên môn về công nghệ sạch, quản lý đại dương, chuyển đổi năng lượng và tài chính khí hậu, hợp tác với khu vực để giảm lượng khí thải và ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

Và mục tiêu cuối cùng đó là Canada hướng tới trở thành đối tác tích cực và gắn kết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nước này sẽ mở rộng sự hiện diện và tăng cường sức ảnh hưởng, làm sâu sắc và đa dạng hóa quan hệ đối tác khu vực và hợp tác về các mối quan tâm chung.

Cách thức giúp Canada thiết lập mạng lưới đối tác tin cậy

Theo Ngoại trưởng Canada Melanie Joly, để hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Canada cần có những đối tác tin cậy.

Canada nhận thức được rằng, để thực hiện được chiến lược của mình, nước này sẽ cần có sự phối hợp của mạng lưới các đồng minh và đối tác tin cậy trong khu vực. Trên cơ sở đó, Canada sẽ thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn và đối thoại đa phương ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương. Canada cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh chủ chốt như Mỹ, Australia và New Zealand và Liên minh châu Âu cũng như các nước thành viên của EU. Canada cũng sẽ tận dụng tầm ảnh hưởng của một số tổ chức và liên minh toàn cầu mà nước này là thành viên như nhóm G7 và nhóm Ngũ Nhãn.

Ngoài ra, Canada sẽ tiếp tục can dự với các đối tác Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn kinh tế cao và phối hợp với nhiều đối tác khác trong các vấn đề về quản trị. Trong chiến lược của mình, Canada xác định sẽ hỗ trợ quốc tế về nữ quyền trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu của một số nước như Việt Nam, Philippines và các quốc đảo Thái Bình Dương. Hợp tác của Canada với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được định hướng bởi các lợi ích và giá trị của nước này./.

Nguồn: Báo điện tử VOV