Bất ổn ở Trung Quốc chắc chắn không có lợi cho kinh tế thế giới và có thể ảnh hưởng lan rộng ra các nền kinh tế khác. Điều này có thể gây suy giảm hoạt động sản xuất và phân phối ra thị trường toàn cầu vô số mặt hàng như mạch tích hợp, phụ tùng máy móc, thiết bị gia dụng…

Những diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc - “công xưởng” lớn nhất thế giới - trong những ngày gần đây làm gia tăng mức độ bất ổn đối với kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia đang chật vật ứng phó với ảnh hưởng của cuộc chiến tranh ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát.Vai trò của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đối với sức khoẻ kinh tế toàn cầu khiến cho giới quan sát không khỏi lo ngại về những diễn biến này.

Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc giữ vai trò công xưởng và một đầu tàu quan trọng của kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, bất ổn ở Trung Quốc chắc chắn không có lợi cho kinh tế thế giới và có thể ảnh hưởng lan rộng ra các nền kinh tế khác. Trao đổi với tờ New York Times, các nhà phân tích nói rằng bất ổn đó có thể gây suy giảm hoạt động sản xuất và phân phối ra thị trường toàn cầu vô số mặt hàng như mạch tích hợp, phụ tùng máy móc, thiết bị gia dụng… Ngoài ra, bất ổn ở Trung Quốc cũng có thể là lý do khiến các công ty Mỹ và châu Âu đẩy nhanh việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, tăng cường đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Chuyên gia Kerry Brown của Chatham House, một viện nghiên cứu quan hệ quốc tế ở London, nói rằng bất ổn ở Trung Quốc “sẽ có ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới” vì “đơn giản là không có một lựa chọn thay thế nào đối với những gì mà Trung Quốc đang cung cấp cho thế giới xét về quy mô và năng lực cung ứng”.

“Trung Quốc giữ một vai trò cực kỳ trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu”, ông Brown phát biểu.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Năm 2021, Trung Quốc sản xuất gần 30% hàng hoá của thế giới.

Tình trạng trì hoãn và khan hiếm liên quan tới Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ và cân nhắc bổ sung thêm các nguồn nguyên vật liệu thô và nhân công ngoài Trung Quốc. Hãng công nghệ Apple - doanh nghiệp gần đây công bố doanh thu giảm vì tình trạng gián đoạn hoạt động tại các nhà máy ở Trung Quốc - là một trong số những công ty công nghệ đã dịch chuyển một phần nhỏ sản xuất sang các quốc gia khác như Việt Nam hay Ấn Độ.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc thực ra đã có từ trước đại dịch, từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo chính trị muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, “thực tế phũ phàng là điều này sẽ không sớm xảy ra”.

“Chúng ta không nên tự huyễn hoặc là có thể phân ly một cách nhanh chóng”, ông Brown nói.

Quy mô khổng lồ của Trung Quốc tạo ra sức hút lớn đối với các công ty Mỹ và châu Âu muốn không chỉ sản xuất hàng hoá một cách nhanh chóng và với mức giá rẻ mà còn bán hàng hoá với số lượng lớn. Không có một thị trường nào khác lớn đến như vậy.

Tesla, John Deere và Volkswagen là vài trong số những công ty đặt cược vào Trung Quốc cho sự tăng trưởng của mình trong tương lai. Nhưng trước mắt, những công ty này có thể đối mặt với một số trở ngại. Tuần trước, Volkswagen cho biết doanh số của hãng ở Trung Quốc trì trệ trong năm nay, thấp hơn 14% so với dự báo.

Tình hình Covid ở Trung Quốc cho thấy những rủi ro đi kèm với việc đầu tư vào nước này, nhưng giới phân tích nói rằng những diễn biến gần đây không phải là điều mà nhà đầu tư hoàn toàn không thể lường trước. “Nhiều nhà đầu tư vẫn sẽ nhìn về phía trước và chuẩn bị danh mục của họ cho sự mở cửa trở lại của Trung Quốc. Họ sẽ tìm cách tranh thủ sự chuyển mình của Trung Quốc từ một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang một nền kinh tế tiêu dùng”, ông Brown nhấn mạnh.

Và do mức độ liên hệ qua lại mật thiết của nền kinh tế toàn cầu, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc mặt khác cũng có thể giúp ích cho các quốc gia khác bằng cách kéo giá năng lượng xuống. Mối lo về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc do ảnh hưởng của chính sách chống dịch Zero Covid đã khiến giá dầu thế giới giảm liên tục trong 3 tuần qua, xuống mức thấp nhất từ đầu năm.

“Nhu cầu dầu của Trung Quốc là lớn nhất thế giới. Tình hình ở Trung Quốc có sự chi phối rất lớn đối với giá dầu”, ông David Goldwyn - một nhà ngoại giao năng lượng cấp cao thuộc chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama - phát biểu.

Theo dữ liệu của công ty phân tích Kpler, nhu cầu dầu của Trung Quốc được dự báo đạt bình quân 15,1 triệu thùng/ngày trong quý này, giảm từ mức 15,8 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm ngoái.

Về vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, chuyên gia kinh tế trưởng Neil Shearing của công ty nghiên cứu Capital Ecomics cho rằng thế giới đã “đổ lỗi” quá nhiều cho Trung Quốc. “Mọi thứ đều bị cho là do thiếu nguồn cung mà ra”, ông Shearing phát biểu, nhưng nói rằng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc thực ra đã tăng trong đại dịch. Vấn đề nằm ở chỗ nhu cầu của thế giới tăng mạnh hơn - ông nói.

Ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng kinh tế lớn nhất sẽ rơi vào Trung Quốc thay vì nền kinh tế toàn cầu. Những lĩnh vực có giao tiếp mặt đối mặt như bán lẻ, nhà hàng-khách sạn hay giải trí sẽ hứng chịu thiệt hại lớn hơn cả. Cũng theo ông Shearing, trong 3 ngày qua, các chỉ số đo hoạt động đi lại của người dân ở Trung Quốc đã giảm mạnh.

Ông Shearing nói thêm rằng số người đang bị cách ly ở Trung Quốc hiện nay còn lớn hơn cả giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng biến chủng Omicron vào mùa đông năm ngoái. Làn sóng lây nhiễm và các biện pháp chống dịch, chứ không phải việc người dân phản đối các biện pháp đó, mới là những vấn đề đang có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc, vị chuyên gia nhận định.

Nguồn: VnEconomy