Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này ngày càng có nhiều thay đổi lớn trong quy định nhập khẩu.

Ý kiến này được đưa ra tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 19/11.

Cụ thể, theo ông Lê Thanh Hòa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây là một trong hai thị trường lớn và tiềm năng hàng đầu của gạo Việt.

Kết thúc 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, đem về 3 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng 2 thị trường Philippines và Trung Quốc đã chiếm đến 57,47% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt gần 757.6 tấn, chiếm tỷ lệ 12,45%, trị giá gần 382,7 triệu USD.

Tuy nhiên, thị trường tỷ dân này đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,… Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định.

Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này.

Trước kia, Việt Nam xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn mỗi năm qua thị trường Trung Quốc, song sản lượng xuất khẩu sẽ giảm.

Ông Hòa cho biết Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua Trung Quốc, ông  La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed chia sẻ: “Yêu cầu kiểm dịch nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng sang Trung Quốc liên tục được bổ sung và ngày càng khắt khe hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cần liên tục cập nhật yêu cầu kiểm dịch, bao bì, nhãn mác,…từ Hải quan Trung Quốc và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu vì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường này”.

Nguồn: Báo Đầu tư