Cuối tháng 10/2022, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trực tiếp kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại.

Ngày 29/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.

Phối hợp chặt để khắc phục tồn tại

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, sau 5 năm bị EC cảnh báo thẻ vàng, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng để đáp ứng được yêu cầu của EC để gỡ thẻ vàng thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo đó, cần hoàn thiện Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có nội dung về xử phạt nguội; sửa đổi Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn luật Thủy sản; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản.

Về việc gắn định vị VMS trên tàu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, dù hiện chỉ còn tỷ lệ ít, nhưng số này lại là những tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, nên cần phải gắn định vị 100%, đặc biệt là những tàu 15m trở lên. Trong khi EC yêu cầu kể cả tàu nằm bờ cũng phải bật định vị để kiểm soát. Theo đó, các chủ tàu, các địa phương phải phối hợp thực hiện thật chặt chẽ, nghiêm túc.

Trong những ngày tới, Bộ đội Biên phòng cùng các cảng cá và các địa phương thực hiện kiểm soát thật chặt chẽ khi tàu xuất bến, đủ điều kiện mới được ra khơi. Đối với các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, sẽ giao cho cả cảnh sát biển xử lý. “Như vậy, các lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quân đều có trách nhiệm kiểm soát trên cơ sở thực thi nghiêm túc của các chủ tàu và thuyền trưởng” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về việc thực thi pháp luật, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đánh giá, tổng kết lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những đơn vị, những tỉnh thành làm chưa nghiêm để có những chỉ đạo sát sao hơn, thực tiễn và hiệu lực hơn.

Đối với những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát và các địa phương sẽ rà soát đến từng xã có tàu vi phạm để nhắc nhở, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho chính quyền xã, phường và người dân về những ảnh hưởng của vi phạm đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Thiệt hại nặng nếu bị “thẻ đỏ”

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trưởng Ban Điều hành IUU VASEP cho biết, từ 2011 – 2021, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng từ 6 tỷ lên gần 9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang EU đóng góp 1 – 1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15 -17% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đi các thị trường.

Sau khi EC ra cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam liên tục giảm sau 4 năm. Trong giai đoạn 2017 – 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD. Năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép của thẻ vàng IUU và dịch Covid. Đến năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm đều tăng trở lại nhờ tác động của hiệp định EVFTA và dịch Covid-19 làm tăng giá xuất khẩu, tăng nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng, trừ cá tra.

Bà Thu Sắc cho biết, nếu bị áp dụng thẻ đỏ, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thuỷ sản sang EU đạt trên 1,4 tỷ USD, trong đó hải sản khoảng 420 triệu USD, thuỷ sản nuôi khoảng 980 triệu USD. Như vậy, nếu thẻ đỏ xảy ra từ 2023 thì thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD.

Về lâu dài, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2-3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.

Đại diện VASEP cũng chỉ ra rằng, thị trường EU yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất đối với sản phẩm nhập khẩu và đưa ra mức giá tốt, điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải liên tục đổi mới và phát triển hệ thống sản xuất của họ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu ngành này mất đi thị trường tiêu chuẩn cao, thì ngành đó cũng mất động lực để nâng cấp chuỗi giá trị của mình.

Hơn thế nữa, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản… cũng có thể sẽ làm theo quy định IUU của EU.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan