Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ đã bao trùm khắp toàn cầu khi kinh tế nước này đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.

Sau khi tăng trưởng âm 1,6% trong quý 1/2022, GDP quý 2 của Mỹ lại tiếp tục tăng trưởng âm 0,9%, như vậy kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật theo định nghĩa của Cục Nghiên cứu quốc gia Mỹ (NBER).

Suy thoái hay chưa?

Kể từ năm 1984 đến nay, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng âm liên tiếp hai quý, ngay lập tức NBER công bố kinh tế nước này suy thoái. Điều này đã lặp lại trong 6 tháng đầu năm 2022. Tại sao vấn đề suy thoái hay không suy thoái kinh tế Mỹ vẫn còn gây tranh cãi?

Ông Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, giải thích rằng: “Chúng ta đã tạo ra được nhiều việc làm. Chúng ta có tỷ lệ sa thải lao động thấp kỷ lục. Chúng ta có số vị trí cần tuyển dụng nhiều kỷ lục. Tiêu dùng, đầu tư, tất cả đều đang tích cực nên chưa thể nói là đã rơi vào suy thoái”.

Trong khi luồng ý kiến phản biện ở Mỹ cho rằng, chính quyền Joe Biden đang cố gắng thay đổi các khái niệm về suy thoái kinh tế nhằm giảm áp lực khi bầu cử giữa kỳ đang đến gần.

Hơn nữa, biểu hiện suy thoái kinh tế cơ bản đã xảy ra ở Mỹ. Dù FED liên tục tăng mạnh lãi suất, nhưng lạm phát không ngừng tăng cao, khiến tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng bi quan, đặt ra những nguy cơ lớn phía trước.

Normura Holdings cũng cho rằng Mỹ và nhiều nền kinh tế khác sẽ rơi vào suy thoái thực sự từ cuối năm nay do chính sách tiền tệ thắt chặt và chi phí sinh hoạt tăng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái trên diện rộng.

Chuẩn bị ứng phó

Lạm phát tăng cao kỷ lục, nguy cơ suy thoái rình rập, đã đẩy chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 đã giảm mạnh xuống 95,7%- mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Trước bối cảnh này, nhà bán lẻ khổng lồ Walmart và nhiều nhà bán lẻ khác của Mỹ giảm mạnh triển vọng lợi nhuận khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.

Trong thập kỷ qua, quan hệ kinh tế Việt Nam- Mỹ phát triển vượt bậc. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng trưởng mạnh, đến hết quý 2 Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 56,6 tỷ USD. Vì vậy, tiêu dùng sụt giảm tại Mỹ do suy thoái kinh tế sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Đáng chú ý, nhóm hàng chủ lực của Việt Nam có mặt tại Mỹ không thuộc lĩnh vực “đặc biệt thiết yếu”, trong đó 6 mặt hàng trên 1 tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may, máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại và gỗ. Do đó, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cũng phải lường trước điều này khi kinh tế Mỹ suy thoái.

Dù khối lượng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, nhưng một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với tỷ trọng chung, dẫn đến tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”.

Khi kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái thực sự thì tác động tới xuất khẩu nước ta càng trầm trọng. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần có phương án đa dạng hóa thị trường ngày từ bây giờ; sẵn sàng các nhóm hàng thiết yếu để lấp chỗ trống.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp