Mạng lưới FTA đa dạng, chất lượng cao giống như “đường cao tốc” giúp Việt Nam đến với thế giới nhanh hơn. Tuy nhiên, đi bằng phương tiện, công cụ gì, sử dụng nguyên nhiên liệu, năng lượng thế nào lại phụ thuộc vào người dân và doanh nghiệp.

Bà Bùi Kim Thùy, Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tại Việt Nam (USABC), Thành viên Hội đồng Cố vấn HARVARD-Asia Pacific nhận định như vậy trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TG&VN.

Thương mại quốc tế phát triển thì phòng vệ thương mại tăng

Với nhiều FTA được ký kết và thực thi, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại nhiều nước, khu vực thị trường xuất khẩu là điều các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt. Bộ Công Thương thông tin, cứ hai tuần, Việt Nam lại phải ứng phó với một vụ việc phòng vệ thương mại. Bà đánh giá thế nào về tình trạng này?

Theo quan điểm của tôi, thực trạng trên là điều bình thường trong thương mại quốc tế. PVTM là một trong những biện pháp tất yếu, được cho phép trong các quy định có liên quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các nền kinh tế hoàn toàn được phép sử dụng các biện pháp PVTM một cách phù hợp với WTO để bảo vệ ngành công nghiệp, nông nghiệp nội địa và người dân của mình

Khi tham gia vào chợ toàn cầu, doanh nghiệp thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng phải chấp nhận các biện pháp PVTM.

Bên cạnh đó, cùng với sự tăng trưởng và phát triển của thương mại quốc tế, việc gia tăng các biện pháp PVTM cũng là điều tất yếu. Thương mại quốc tế càng phát triển thì các biện pháp phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng theo.

Việt Nam có rất nhiều FTA. Tôi đánh giá, trên thế giới, rất ít quốc gia có bản đồ FTA phong phú, đa dạng và bao phủ gần như các nền kinh tế chính, trọng điểm như Việt Nam. Việt Nam cũng là nền kinh tế đang phát triển duy nhất trên toàn cầu có bản đồ FTA đa dạng, phong phú như thế.

Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Singapore về số lượng FTA. Nhưng các FTA của Việt Nam rất thực chất bởi Việt Nam là nền kinh tế toàn diện và đầy đủ. Xét về quy mô có thể chưa lớn, nhưng Việt Nam lại đa dạng ngành nghề nhất. Vì vậy, Việt Nam gặt hái được nhiều “trái ngọt” khi có bản đồ FTA đa dạng.

Như vậy, với nhiều FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh như thế thì đương nhiên, việc các vụ việc PVTM đối với doanh nghiệp Việt Nam tăng là điều bình thường.

Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp PVTM, theo bà cần thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp nào?

Thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã và đang thực hiện rất tốt các giải pháp PVTM để hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh, sản xuất và đầu tư tại Việt Nam.

Một ví dụ điển hình là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Hoa Kỳ đã “phá án” thành công việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mật ong có xuất xứ Việt Nam.

Lúc đầu, mức thuế phía Hoa Kỳ đưa ra rất cao, gần 500%. Với các bằng chứng, lập luận hợp lý chứng minh rằng Việt Nam không bán phá giá, không trợ cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, phía Hoa Kỳ đã cắt mức thuế giảm còn 58,74% - 61,27%.

Có thể khẳng định, các website về phòng vệ thương mại mà Bộ Công Thương xây dựng rất hữu ích. Chúng tôi đã sử dụng rất nhiều thông tin từ các website này để cung cấp cho các đối tác của USABC. USABC, tôi và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hệ thống thông tin của Bộ Công Thương.

Trong thời đại số, những số liệu này đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp. Bộ Công Thương và Cơ quan Hải quan Việt Nam đã theo dõi cụ thể, tỉ mỉ các hiện tượng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp và cảnh báo sớm với những doanh nghiệp có nguy cơ bị kiện PVTM.

Song song với đó, các cơ quan đại diện nước ngoài cũng làm tốt vai trò của mình khi cập nhật thường xuyên các thông tin liên quan đến PVTM về thị trường nội địa. Từ đó, doanh nghiệp kịp thời có bước chuẩn bị tương thích để đáp ứng nhu cầu điều tra của đối tác nước ngoài.

Trên thế giới, rất ít quốc gia có bản đồ FTA phong phú, đa dạng và bao phủ gần như các nền kinh tế chính, trọng điểm như Việt Nam. Việt Nam cũng là nền kinh tế đang phát triển duy nhất trên toàn cầu có bản đồ FTA đa dạng, phong phú như thế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh các rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại, theo tôi, phải có sự cộng hưởng của hiệp hội, ngành hàng trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh cho ngành hàng.

Ngoài ra, cần có chiến lược về giá cho nhóm hàng đó để doanh nghiệp không bị cảm giác “cô đơn” khi ở thị trường nước ngoài và để họ nhận thấy sự ủng hộ bảo vệ từ hiệp hội ngành hàng ngoài cơ quan quản lý.

Thêm vào đó, khoảng 95% số lượng doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Khu vực doanh nghiệp này không có nhiều nguồn lực và thường không có nhân viên pháp lý giỏi để cập nhật thông tin PVTM một cách chính xác kịp thời.

Do đó, thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần hỗ trợ có các khóa đào tạo các thông tin về PVTM cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ này cần theo hướng “đo ni đóng giày”, hướng dẫn tỉ mỉ, thực chất, thậm chí là cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp sản xuất trong từng ngành hàng, từng địa phương.

Đặc biệt, cần tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài tương đồng với hàng hóa được xuất khẩu từ các nước láng giềng với Việt Nam.

FTA chưa phải là tất cả

Bà nhìn nhận, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội như thế nào với các FTA?

FTA mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Như nói ở trên, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển duy nhất trên toàn cầu có nhiều FTA (trong đó có các FTA thế hệ mới) và có nhiều FTA đa dạng với các thị trường đến vậy.

Doanh nghiệp Việt đã hưởng lợi rất nhiều thông qua giảm thuế, nhiều dòng thuế về 0.

Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu 3 FTA thế hệ mới, đó là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và FTA Việt Nam-Anh (UKVFTA). Những FTA này hướng tới thương mại công bằng, phát triển bền vững.

Mạng lưới FTA dày đặc, chất lượng cao giống như đường cao tốc giúp Việt Nam đến với thế giới nhanh hơn, tuy nhiên, đi bằng phương tiện, công cụ gì, sử dụng nguyên nhiên liệu, năng lượng thế nào lại phụ thuộc vào người dân và doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, xuất siêu đạt hơn 700 triệu USD. Kết quả này có được một phần nhờ các FTA đang có. Bà đánh giá thế nào về con số này?

Đúng như bạn nói, kết quả trên có được một phần nhờ các FTA, nhưng chưa đủ. Theo quan điểm của tôi, kết quả xuất siêu ấn tượng trên có được bởi ba lý do.

Thứ nhất, sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngày càng có các doanh nghiệp mạnh, đủ tâm, đủ tài, đủ thực lực để hội nhập thế giới. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp nông sản đã ghi dấu ấn trên thị trường thế giới.

Thậm chí, có những nhóm hàng nhắc đến là nhớ tới Việt Nam như da giày, dệt may, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, đồ gỗ nội thất…. Tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về xuất khẩu dệt may, da giày.

Dù đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng FTA chưa phải là tất cả. Theo tôi, sự nỗ lực của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp, trong đó, có nỗ lực thực hiện FTA một cách hiệu quả, thực chất sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Thứ hai, sự gia tăng, mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Để đạt mức xuất khẩu với con số ấn tượng như 6 tháng đầu năm, có tới 67-71% đến từ nhóm doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chất lượng cao.

Thứ ba, là các FTA thế hệ mới.

Không thể phủ nhận, bao trùm lên cả ba lý do trên là nỗ lực từ chính chúng ta. Việt Nam đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực cắt bỏ những thủ tục rườm rà, ko cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực ráo riết của Chính phủ thời điểm trong và sau Covid-19.

Thời gian qua, thế giới cũng đánh giá Việt Nam là quốc gia ổn định về mặt chính trị, đất nước hòa bình, chính sách ổn định. Điều này khiến các doanh nghiệp quốc tế cam kết đầu tư lâu dài và bản thân doanh nghiệp Việt cũng yên tâm sản xuất, từ đó, tạo thặng dư thương mại và con số xuất siêu ấn tượng như vậy.

Các FTA sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển như thế nào trong năm 2022 và xa hơn nữa, thưa bà?

Dù đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng FTA chưa phải là tất cả. Theo tôi, sự nỗ lực của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp, trong đó, có nỗ lực thực hiện FTA một cách hiệu quả, thực chất sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Kết quả “cầm nắm được” rõ nhất của các FTA là cắt giảm thuế và hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, nếu việc áp dụng tại mỗi điểm thông quan không có sự đồng bộ, thống nhất, doanh nghiệp cũng không được hưởng lợi. Do đó, cắt giảm thủ tục hành chính, giúp thuận lợi hóa thực chất về thương mại là yếu tố cần thiết để kinh tế Việt Nam phát triển hơn.

Vậy, theo bà, để thuận lợi hóa thương mại, vấn đề nào quan trọng nhất?

Về tổng thể, Việt Nam hướng mặt ra đại dương lớn thế giới, tựa lưng vào lục địa lớn nhất thế giới và có vị trí địa chính trị, địa kinh tế vô cùng quan trọng trong ASEAN. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng điều này trong thập kỷ tới, nếu không, rất lãng phí.

Với vị thế này, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics của khu vực, nhưng để làm được thì phải có chính sách thích hợp, mà quan trọng là chính sách xuất nhập khẩu và thông quan.

Thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện tính kết nối giữa các cấp trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành… để tránh đứt gãy “chuỗi cung ứng” về mặt văn bản.

Việt Nam cần phải có chính sách thuận lợi hóa thương mại một cách thực chất, nhất là từ cơ quan hải quan, như vậy mới có thể có sự đột phá và tiến nhanh.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam