Qua những con số thống kê cho thấy các sản phẩm trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc luôn đạt kim ngạch cao hơn rất nhiều so với những loại trái cây khác.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu rau quả đạt 1,42 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 722,17 triệu đô la Mỹ, chiếm đến 50,64% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Do Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn như nói trên, nên mọi thay đổi về chính sách liên quan đến nhập khẩu ở thị trường này đều ảnh hưởng đáng kể đến kết quả xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam. Trong đó, qua những con số thống kê, cho thấy những loại trái cây của Việt Nam xuất chính ngạch sang Trung Quốc đứng ở vị trí dẫn đầu.

Trái cây xuất chính ngạch sang Trung Quốc xếp tốp đầu

11 loại trái cây của Việt Nam hiện xuất chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng là những loại đứng ở tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu.

Với mặt hàng thanh long, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long các loại (tươi, đông lạnh, sấy khô, nước ép) đạt 344,23 triệu đô la Mỹ, giảm 38,2% so với cùng kỳ, nhưng đây là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.

Xét về cơ cấu thị trường, thanh long chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ trọng chiếm đến 84,9% (tương đương trên 292 triệu đô la Mỹ), cho nên việc sụt giảm mạnh ở thị trường này (giảm 42,6% so với cùng kỳ) đã dẫn đến kết quả sụt giảm 38,2% như đã nói ở trên.

Với trái mít, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba về trái cây, 5 tháng đầu năm 2022 đạt 90,8 triệu đô la Mỹ, giảm 12% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt gần 78,8 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ trọng 86,74%), giảm 20,7% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chuối, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai về trái cây, 5 tháng đầu năm 2022 đạt 207,6 triệu đô la Mỹ, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các loại trái cây khác trong những sản phẩm xuất chính ngạch sang Trung Quốc đều nằm trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, bao gồm xoài đạt 76,7 triệu đô la Mỹ, giảm 60,1% so với cùng kỳ; sầu riêng đạt 46,2 triệu đô la Mỹ, tăng 109,4%; chanh dây đạt 34,4 triệu đô la Mỹ, tăng 40,8%; dưa hấu đạt 17 triệu đô la Mỹ, giảm 63,4% so với cùng kỳ…

Cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

Trong khi đó, khi nhìn vào trường hợp sản phẩm khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long), loại sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng chưa được quốc gia này mở cửa, thì khi Trung Quốc “siết” việc xuất khẩu tiểu ngạch sang biên giới, lập tức sản xuất của ngành hàng này bị bế tắc.

Bà Võ Ngọc Thơ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long – vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long – cho biết trong những năm cao điểm, diện tích trồng khoai lang của địa phương lên đến 13.000-14.000 héc ta. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, diện tích trồng khoai của địa phương chỉ đạt khoảng 730 héc ta, tức giảm trên 12.000-13.000 héc ta so với trước đây.

Theo bà Thơ, thị trường tiêu thụ chính của khoai lang Bình Tân là Trung Quốc, nhưng do đầu ra không có, giá bán sụt giảm khiến nông dân không có lãi nên đã ngưng sản xuất. “Đối với phần diện tích còn lại cũng chủ yếu trồng các loại khoai trắng, khoai sữa để tiêu thụ trong nước (loại bán sang Trung Quốc chủ yếu là khoai tím Nhật – PV)”, bà Thơ nói.

Ghi nhận thực tế của KTSG Online, toàn bộ chuỗi sơ chế, đóng gói, nhập container để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc ở khu vực dọc quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hiện cũng đã tạm ngưng hoạt động.

Qua trường hợp khoai lang Bình Tân, có thể thấy việc đàm phán để đưa nông sản Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần được đẩy mạnh hơn, nhằm hạn chế rủi ro cho chuỗi ngành hàng và người nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh việc đàm phán mở cửa, nông sản nói chung và trái cây nói riêng cần được nâng cao chất lượng, chuẩn hoá cơ sở đóng gói, những yêu cầu cơ bản được thị trường đặt ra.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết yếu tố đầu tiên cần phải vượt qua đó là hàng rào kỹ thuật, tức sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu yêu cầu như GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu), tiêu chuẩn hữu cơ hoặc yêu cầu riêng của nước nhập khẩu…

Thứ hai, theo ông Tùng, là hàng rào kiểm dịch, tức sản phẩm phải đảm bảo không có những dịch hại đối với quả tươi hoặc vượt qua hàng rào y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến.

Một yếu tố nữa là hàng rào thuế quan. Chẳng hạn, Nhật Bản cũng trồng khoai lang, cho nên, họ áp dụng chính sách thuế quan để bảo hộ sản phẩm trong nước cho người nông dân, và khoai lang Việt Nam muốn vào Nhật phải vượt qua được hàng rào thuế quan này.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đối với trường hợp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc nói chung và sầu riêng nói riêng phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong nghị định thư, không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.

Ngoài ra, theo quy định, tất cả các vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  được bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Nguồn: Báo Kinh tế Sài gòn Online