Canada đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm Ottawa về cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế Canada - bà Mary Ng nhắc lại cam kết của nhóm trong việc thúc đẩy cải cách WTO nhằm đảm bảo rằng thương mại dựa trên quy tắc định hướng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tìm giải pháp đa phương

Bà Mary Ng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp khai thông thế bế tắc, để Cơ quan phúc thẩm WTO thực sự trở thành một hệ thống giải quyết tranh chấp.

Theo Bộ trưởng Mary Ng, cần cải thiện các chức năng đàm phán và giám sát tại WTO.

Tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của WTO do Thụy Sĩ chủ trì cuối tuần qua, Canada khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp đa phương nhằm giải quyết các mối lo ngại liên quan đến cách ứng phó với đại dịch, bao gồm vấn đề sở hữu trí tuệ, nhất là về vaccine phòng Covid-19; việc hạn chế xuất khẩu; vấn đề thông quan, minh bạch... Một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, với nòng cốt là WTO, là cần thiết để đảm bảo các hành động chung ứng phó với đại dịch được phối hợp tốt và công bằng, cũng như đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và bao trùm. 

Theo Reuters, trong diễn biến liên quan, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngay 23-1 thông báo giảm cấp độ tranh chấp tại WTO về mức thuế thép và nhôm do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng vào năm 2018 và các biện pháp trả đũa sau đó của EU.

Nhiều mâu thuẫn tồn tại

Về đại thể, các phương án cải cách đang tồn tại mâu thuẫn ở 4 điểm: cải cách quy tắc thực chất, cải cách mô thức đàm phán, chế độ thông báo và minh bạch cơ chế giải quyết tranh chấp. 

Về mô thức đàm phán, phương án của Mỹ và EU đều nêu quy tắc thực chất trong xây dựng và tăng cường trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước. Các bộ trưởng thương mại Mỹ, EU, Nhật Bản đã ra tuyên bố chung, thống nhất cùng đối phó với việc dư thừa năng lực sản xuất, chống lại cách làm phi thị trường tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối với công nhân và doanh nghiệp. 

Về mô thức đàm phán, Mỹ cho rằng mô thức hiệp thương nhất trí dẫn đến hiệu quả đàm phán WTO giảm xuống, đi vào bế tắc. Phía Trung Quốc nêu quan điểm cần kiên trì vai trò kênh chủ yếu thể chế mậu dịch đa phương của WTO, không thể lấy cái gọi là quan niệm mới, cách thể hiện mới để làm lẫn lộn và phủ định tính quyền uy của thể chế thương mại đa phương. EU nêu phương án trung dung, trong tình hình có thể thì kiên trì hiệp thương nhất trí, trong lĩnh vực không thể đạt hiệp thương nhất trí thì có thể dùng mô thức nhóm đa phương nhỏ. Thành quả đàm phán căn cứ vào việc áp dụng phổ biến nguyên tắc tối huệ quốc. 

Về chế độ thông báo và minh bạch, phương án của Mỹ và EU đều nhấn mạnh các nước thành viên WTO cần tăng cường nghĩa vụ thông báo và mức độ minh bạch, dùng nguyên tắc cải thiện để chấp hành. Trong khi Trung Quốc chủ trương nghĩa vụ thông báo và minh bạch là một bộ biện pháp ràng buộc có tính kỷ luật đối với các thành viên, tuy có giá trị nhất định song nếu như áp dụng biện pháp trừng phạt sẽ dẫn đến tác dụng tiêu cực.

Cuối cùng, cơ chế giải quyết tranh chấp đang bế tắc ở việc bầu thẩm phán cơ cấu tố tụng, dẫn đến cơ chế giải quyết tranh chấp bị ngưng trệ. Theo EU và Trung Quốc, cải cách WTO cần ưu tiên xử lý vấn đề then chốt về sự tồn tại, tức là mau chóng giải quyết vấn đề bầu thẩm phán cơ cấu tố tụng. Một là, số lượng thẩm phán từ 7 người tăng lên 9; hai là, thời hạn của thẩm phán từ 4 năm tăng lên 6 năm; ba là, xác định thời hạn bầu thẩm phán. Mỹ vẫn chưa có phản ứng gì đối với phương án này.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng