Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức của giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng trong năm 2022.

GDP dự báo đạt 5,5%

Phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề: Phục hồi & Bứt tốc tăng trưởng - Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp được tổ chức ngày 14/1, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm mà chúng ta không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức mang tính ngắn hạn mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.

Trong Báo cáo mới nhất công bố ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ khởi sắc với sự hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Với giả định đại dịch Covid-19 được kiểm soát tương đối tốt trong nước và trên toàn cầu, GDP Việt Nam năm nay được WB dự báo tăng trưởng 5,5%, thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là 6,5-7%, cũng như con số dự kiến của các tổ chức khác như HSBC (6,5%), Standard Chartered (6,7%).

Theo WB, khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức của giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.

Nhận định về những yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam 2022, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhận định, những năm vừa qua, mà đặc biệt là 2020, liên quan lĩnh vực chế biến chế tạo có sự phục hồi mạnh mẽ hơn, dần dần khi người tiêu dùng chi tiêu trở lại, các nhà đầu tư trong nước phục hồi sẽ làm đà phục hồi lớn hơn trong nước. Việt Nam cũng đã đưa ra các chương trình phục hồi quan trọng, Chính phủ cần đưa ra các chương trình an sinh tốt hơn.

Để Việt Nam hiện thực mục tiêu 6,5% tăng trưởng trong năm 2022, bà Dorsati cho rằng cần lực cầu trong nước đủ mạnh. Tuy nhiên, vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.

2 yếu tố giúp Việt Nam phục hồi

Phân tích về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vắc xin vẫn là các yếu tố quyết định cho phục hồi kinh tế. Với độ phủ vắc xin tăng và các ca nhiễm bệnh giảm, các nước châu Á bắt đầu mở cửa kinh tế và hoạt động kinh tế dần hồi phục lại. Tương tự khu vực, tốc độ tiêm vắc xin của Việt Nam rất nhanh. Tính tới thời điểm hiện tại, độ phủ vắc xin đối với người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi đã lên tới con số 100%, nhóm đứng đầu trên thế giới”, ông Cường cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Cường, có 2 yếu tố cũng giúp Việt Nam bật mạnh trong năm 2022 đó là: kinh tế số và chương trình phục hồi kinh tế năm sắp tới. Bên cạnh cơ hội tăng trưởng, ông Nguyễn Minh Cường cũng lưu ý một loạt rủi ro mà Việt Nam cần quan tâm.

Thứ nhất, mặc dù đã có mức bao phủ vắc xin nhanh chóng, cách thức đối phó với Covid-19 vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương, thực thi chính sách, tăng cường năng lực y tế, điều trị, bổ sung thuốc hỗ trợ điều trị (sản xuất, nhập khẩu).

Thứ hai, kiểm soát lạm phát, tín dụng. Nguy cơ bất ổn vĩ mô có thể xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng, bong bóng tài sản (đất đai, trái phiếu, thị trường chứng khoán). Những biểu hiện gần đây cho thấy đó mới chính là những rủi ro "đặc trưng Việt Nam" cần lưu ý. Về dài hạn, chuyển quản lý nền kinh tế dựa dựa trên cơ sở sở hữu sang kiểm soát các hành vi lạm dụng sức mạnh vị thế thị trường (market power) trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện các biểu hiện hành vị can thiệp thị trường gần đây.

Thứ ba, một thực tế là các gói giải ngân từ đầu tư công đến các gói hỗ trợ đều hết sức chậm. Giải ngân chương trình phục hồi kinh tế sẽ phức tạp hơn do có nhiều hạng mục, nhiều nguồn vốn, nhiều cơ chế điều kiện khác nhau, nhiều chính sách biện pháp khác nhau (tài khóa, tiền tệ kết hợp cho gói trợ cấp lãi suất), và chưa có sự phân biệt rõ giữa đầu tư công trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi kinh tế với đầu tư công trong kế hoạch đã được duyệt. Do vậy, việc thực hiện và giải ngân kịp thời chương trình phục hồi kinh tế là tối quan trọng trong năm 2022 - 2023.

Nguồn: Tạp chí Hải quan