Đó là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng với phóng viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) ngày 2/3/2011.
Thưa Bộ trưởng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương triển khai thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng, đó là đẩy mạnh được xuất khẩu (XK) và kiềm chế được nhập siêu. Những tín hiệu rất khả quan 2 tháng đầu năm cho thấy xuất khẩu (XK) năm nay của nước ta sẽ tiếp tục thành công, vậy Bộ trưởng nhận xét như thế nào về khả năng XK trong năm 2011?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Với kết quả bước đầu của 2 tháng đầu năm, tôi cho rằng tình hình về XK năm 2011 của chúng ta có tiền đề thuận lợi. Thứ nhất, kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là sau kết quả hết sức khả quan của tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 6,78%. Thứ hai, thị trường thế giới tiếp tục mở rộng, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục được thể hiện trong năm 2011, giá cả một số mặt hàng XK năm nay cũng có những thuận lợi hơn so với những năm trước đây và tình hình kinh tế ở trong nước, do thực hiện những nhóm giải pháp mà Chính phủ đã ban hành trong năm 2010, cũng như những năm trước đây, đã từng bước đi vào cuộc sống và có hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, nhiều nhóm giải pháp này sẽ tiếp tục được phát huy tác dụng trong năm 2011.
Sản xuất trong nước qua năm 2010 đã lấy được đà tăng trưởng cao, ví như trong lĩnh vực công nghiệp tăng tới 14% và với khả năng đó, tôi nghĩ rằng chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng về các mục tiêu về XK năm 2011 của Chính phủ đã đề ra và đã được Quốc hội thông qua với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10% so với năm 2010 là có cơ sở để thực hiện.
Mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 16% so với kim ngạch XK theo tinh thần Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ, thì nhiều người cho rằng đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Vậy cụ thể với nền kinh tế dựa vào nhập khẩu nguyên phụ liệu như của Việt Nam, thì không hiểu với mục tiêu kiềm chế nhập siêu dươí 16%, có ảnh hưởng gì đến XK, cũng như tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chỉ tiêu kiềm chế nhập siêu không quá 16%, nếu chúng ta tổ chức một cách riết róng, một cách sát sao hơn nữa, thì cũng có khả năng thực hiện. Vì sao, bởi vì qua thực tế hoạt động mấy năm gần đây, XNK của Việt Nam đã chứng minh một điều rất rõ ràng, một khi chúng ta có quyết tâm của cả hệ thống chính trị, có biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp và tăng cường công tác điều hành một cách có hiệu quả hơn, kiểm tra, kiểm soát một cách sát sao hơn và đồng tâm nhất trí thì chúng ta sẽ thực hiện được.
Trong câu chuyện về XNK, trong câu chuyện về nhập siêu mấy năm gần đây đã thể hiện rõ tác dụng của những động thái đó, ví dụ như năm 2008 tỷ lệ nhập siêu của chúng ta vẫn còn đến 26,5% trên kim ngạch XK, sang năm 2009 giảm còn 22,5%, sang năm 2010 nhập siêu xuống còn 17,5% và như vậy tôi nghĩ rằng năm nay, nếu chúng ta phấn đấu quyết liệt, thì mục tiêu giảm nhập siêu còn 16% có thể đạt được.
Một trong những mục tiêu quan trọng nữa được đề cập trong Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ, đó là những nhóm giải pháp liên quan đến kiểm soát thị trường, tránh đầu cơ găm hàng, gây ra khan hiếm giả tạo trên thị trường. Vậy về công tác quản lý thị trường thì năm 2011, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo quyết liệt như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Biện pháp đầu tiên để bình ổn thị trường, đó là phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, sản xuất đầy đủ hàng, để phục vụ cho những nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Đấy là yêu cầu số một, thiếu hàng thì không thể nói đến chuyện bình ổn thị trường được và đấy là nhiệm vụ mà Bộ Công Thương xác định là hàng đầu. Nhiệm vụ thứ hai, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát xử lý sai phạm, mà trước hết là những sai phạm trong thực hiện pháp lệnh về giá.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: http://baocongthuong.com.vn
Ngày 04/03/2011
- Truyền thông Trung Quốc: Các đối tác thương mại sẽ 'không ngồi yên' với đợt thuế quan mới của Mỹ
- Chính sách thuế quan của Mỹ và bài học đắt giá cho các nước trên thế giới
- 'Tác dụng phụ' của liệu pháp thuế
- Australia cảnh báo biện pháp thuế quan của Mỹ có thể làm tăng lạm phát toàn cầu
- EU siết chặt quy định đối với nông sản tươi nhập khẩu