Cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu từ thời điểm đầu Quý II. Tuy nhiên, mức nhập siêu đã giảm dần trong thời điểm giữa và cuối Quý III. Cán cân thương mại tháng 8 chỉ nhập siêu 100 triệu USD. Cán cân thương mại trong tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD.

Nhập siêu dần giảm

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ chỉ rõ, tính đến hết quý III, cán cân thương mại cả nước ước nhập siêu 2,13 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương lý giải, tình trạng nhập siêu thời gian qua có nguyên nhân do giá thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao (giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 9 tháng tăng 40,4%; chất dẻo nguyên liệu tăng 35,5%; quặng và khoáng sản tăng 71%…). Trong khi đó, nước ta còn phải nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến cước phí vận tải quốc tế tăng mạnh. Trong khi giá trị nhập khẩu ghi nhận cả chi phí vận tải còn xuất khẩu thường ghi nhận giá FOB. Do vậy, cước phí vận tải tăng mạnh đã làm giá trị nhập khẩu tăng mạnh hơn.

Ngoài ra, nhập khẩu các nhóm ngành nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp tăng do kế hoạch mở rộng sản xuất và thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp khi thị trường đối tác đang có những tín hiệu khả quan trong phục hồi kinh tế và hoạt động thương mại.

Mặc dù cán cân thương mại hiện tại tuy còn tích cực, nhưng sẽ diễn biến phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và vấn đề cán cân thương mại. Ngay trong cuối tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các Bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện. Bộ Công Thương khẳng định, sẽ theo dõi sát sao hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có vấn đề cán cân thương mại.

Cơ hội trong quý cuối năm

Hiện nay, với những tín hiệu hết sức tích cực từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia khẳng định “Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc”. Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 - Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tất cả những điều kiện thuận lợi này, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm, với tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9 - nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021.

Nhìn chung cả 9 tháng chúng ta đã đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu thì tương đương với 0,8%. Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn, và chúng ta còn 3 tháng của Quý 4. Chính vì vậy, nếu như không có biến động nào lớn về kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cũng hy vọng là 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam lấy lại sự phục hồi và đà tăng trưởng, thì lúc đó hoàn toàn có thể tin tưởng là kết thúc năm 2021 cán cân thương mại có thể cân bằng, và tình hình lạc quan hơn, vẫn có thể xuất siêu một tỷ lệ nhất định”, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Bộ Công Thương khẳng định đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy vậy, giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong thời gian tới là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Điều kiện quan trọng là các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung công tác kiểm soát dịch, kết hợp chú trọng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Nguồn: Báo Công Thương