Khi mở cửa nền kinh tế trở lại, nhiều doanh nghiệp cho biết, điều họ lo ngại nhất đó là thiếu nhân lực và đứt gãy nguồn nguyên liệu đầu vào. Để giải bài toán này, theo các doanh nghiệp cần phải kết nối lại vùng nguyên liệu và thiết lập thị trường đầu ra sau thời gian dài bị đứt gãy.

Doanh nghiệp lo đứt gãy nguồn nguyên liệu đầu vào

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Vinanutrifood đang sở hữu 500 siêu thị Nutrimart - cho biết, trong đợt dịch vừa qua, mỗi ngày công ty thiệt hại 500 triệu đồng do hoạt động sản xuất kinh doanh rất cầm chừng, nhiều cửa hàng ở "vùng đỏ" không thể hoạt động.

"Trong đợt dịch, chúng tôi lên kế hoạch xây dựng các điểm bán len lỏi trong dân để tiếp cận thị trường với mong muốn không bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến tháng 9, công ty đã mở 300 điểm bán, nhưng chỉ hoạt động 170 điểm, do số còn lại nằm trong vùng đỏ" - bà Hằng kể.

Theo bà Hằng, trong đợt dịch, có những lúc hàng liên tỉnh bị kéo dài thời gian vận chuyển, đến nơi lại không vào được điểm bán, buộc phải quay đầu, thậm chí đổ bỏ, làm tăng chi phí, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Với những kinh nghiệm "xương máu" đã trải qua, khi mở cửa trở lại, bà Hằng cho hay, doanh nghiệp sẽ bắt tay vào xây dựng tổng kho ở 63 tỉnh, thành vì trước đây chỉ 3 kho Bắc, Trung, Nam. Hay liên doanh, liên kết với một số đơn vị logistics như Viettel, VNPost…

Tuy nhiên, điều mà bà Hằng lo lắng là công ty của bà chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp lao đao vì đứt gãy từ vùng nguyên liệu đến thị trường đầu ra do vận tải không được thông suốt tại nhiều địa phương, nhất là tại một số tỉnh, thành phố có dịch.

"Hiện nay, nhiều vùng nguyên liệu cũng rất thiếu nguồn lao động để làm việc do đợt dịch vừa qua, nhiều người đã về quê, chưa quay trở lại làm việc. Cho nên, chúng tôi rất lo lắng nguyên liệu đầu vào sẽ không đảm bảo" - bà Hằng chia sẻ.

Không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoài Nam - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - nói rằng, thời gian vừa qua khi các tỉnh thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, đã có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua; chỉ khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường -  2 điểm đến".

Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp do không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động trong quá trình thực hiện phương thức sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến".
Doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do các tỉnh, thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến cho người lao động không thể đi làm. Đồng thời, doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu, nguyên vật liệu phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh.

"Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng. 

Cho nên, chúng tôi rất lo trong tháng 10-11 không có nguyên liệu để chế biến xuất khẩu trả các đơn hàng phục vụ cho mùa Noel, đón mừng năm mới. Nếu lúc đó hết dịch, công nhân được đi làm 100% thì lại không có nguyên liệu để làm. Đây là khó khăn rất lớn với doanh nghiệp" - ông Nam nói.

Theo đại diện Bộ Công Thương, trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ nhanh chóng ban hành hướng dẫn chung để các địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới với các nguyên tắc: Quy trình và giải pháp đồng bộ, phù hợp, đảm bảo không gây ách tắc chuỗi cung ứng, không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương phải rà soát các quy định hiện hành, điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay thế các văn bản, quy định không khả thi, không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới.

Nguồn: Báo Lao Động