Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có cuộc đảo chiều trái ngược kỳ vọng do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, việc đạt mục tiêu GDP 6,5% năm 2021 gần như khó khả thi.

Cùng với các định chế tài chính hàng đầu như WB, IMF, ADB, Standard Chartered, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB, Singapore) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn chỉ là tạm thời. Các thể chế tài chính quốc tế cùng nhà đầu tư, giới chuyên gia đều lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trung và dài hạn, tin vào cú lội ngược dòng, hồi phục mạnh mẽ của một trong những nền kinh tế mới nổi đáng chú ý nhất thế giới.

GDP Việt Nam tăng trưởng trái ngược kỳ vọng

Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý III/2021 được Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), Singapore cho thấy, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Theo UOB, kinh tế Việt Nam quý III vừa qua tăng trưởng trái với kỳ vọng đã chứng minh những thiệt hại nặng nề mà dịch bệnh Covid-19 với biến chủng Delta gây ra.

Như Sputnik đã thông tin, quý III năm 2021, GDP Việt Nam giảm 6,17%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2000, thời điểm bắt đầu công bố dữ liệu tăng trưởng từng quý.

UOB đánh giá đây là cuộc đảo chiều mạnh so với mức tăng 6,57% quý II năm 2021.

Sự sụt giảm trong quý III/2021 phần lớn là kết quả của việc đóng cửa và các biện pháp hạn chế được áp dụng trên toàn quốc để ngăn chặn làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 4 năm 2021”, UOB nhận định.

Do vậy mà sản lượng công nghiệp và xây dựng quý vừa qua giảm đến 5,02% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, sản lượng dịch vụ còn giảm mạnh hơn, đáng lo ngại ở mức 9,28%.

Bên cạnh việc gián đoạn chuỗi cung ứng, ngoại thương của Việt Nam cũng giảm trong quý vừa qua. Xuất khẩu tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng cao được ghi nhận hồi tháng 5/2021 vừa qua với con số ấn tượng 31%.

Điểm đáng lưu ý là, nhập khẩu chỉ giảm nhẹ, khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam đạt mức 3,4 tỷ USD so với đầu năm, đảo ngược vị thế thặng dư thương mại vốn có của nền kinh tế.

Do dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 cũng giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự gián đoạn trong cả sản xuất và tiêu dùng.

UOB lưu ý, với mức tăng trưởng chung được Tổng cục Thống kê công bố - 1,42% cho 9 tháng năm 2021, mức này thậm chí còn thấp hơn mức 2,12% cùng kỳ năm 2020 – khi thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng coronavirus nghiêm trọng.

UOB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam

UOB cũng nêu bật một số điểm sáng nền kinh tế tại báo cáo mới cập nhật.

Theo đó, dù dịch bệnh kéo dài nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì.

FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (ở mức 21,2 tỷ USD).

Theo Ngân hàng của Singapore, dòng vốn FDI được thúc đẩy nhờ cả nguồn đầu tư hiện tại và đầu tư gia tăng.

Điều này tái khẳng định lập luận rằng các nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin ở Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhìn xa hơn cuộc đấu tranh với đại dịch trong hiện tại và tập trung vào tiềm năng kinh doanh phía trước của Việt Nam”, báo cáo của UOB nêu rõ.

Thời gian tới đây, khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, đặc biệt là tại những trung tâm sản xuất lớn của đất nước ở khu vực phía Nam (dự kiến được gỡ bỏ từ tháng 10 này) cùng với tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh lên, ngân hàng UOB tin tưởng rằng các doanh nghiệp và nhà máy sẽ hoạt động trở lại vững chắc hơn trong quý 4/2021.

Mặc dù vậy, trước những gì đã diễn ra, cùng với tốc độ mở rộng kinh tế từ đầu năm chỉ ở mức 1,42%, tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ là một thách thức để vượt quá tốc độ tăng trưởng GDP 2,9% trong năm 2020, theo UOB.

Theo Ngân hàng của Singapore, giả sử việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi để cho phép các doanh nghiệp và nhà máy “bắt kịp” sản lượng bị mất và tỷ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch, GDP của Việt Nam có thể phục hồi lên 7% trong quý 4/2021.

Điều này sẽ giúp tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 3%, thấp hơn so với dự báo trước đây là 5%.

Đáng chú ý, do tình thế khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nên UOB vẫn tin tưởng, khi mọi hoạt động trở lại bình thường, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể sẽ đạt 7,4%.

Việt Nam vẫn điều hành chính sách tiền tệ hợp lý

Ngân hàng UOB cho rằng, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ ổn định chính sách ở thời điểm hiện tại và không thay đổi lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5%. Đây là mức thấp kỷ lục.

Cũng theo UOB, có một cân nhắc quan trọng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là sự thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trước mắt có thể có tác động đến các thị trường mới nổi như Việt Nam khi dòng vốn phản ứng với sự thay đổi chính sách.

Kịch bản của chúng tôi là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu giảm bớt lượng mua trái phiếu của mình trước cuối năm 2021 và hoàn tất quá trình này vào giữa năm 2022, sau đó bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm 2022”, UOB nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề tỷ giá, UOB cho rằng việc đồng tiền Việt Nam VND lên giá so với USD thời gian qua khá phù hợp với những gì Việt Nam đã đạt được trong thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 7 để không cố tình làm suy yếu tiền tệ nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu, tránh bị trừng phạt thương mại liên quan đến thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên một VND mạnh hơn cũng đặt ra nhiều quan ngại với triển vọng kinh tế không chắc chắn và tăng trưởng chậm do dịch bùng phát”, UOB lưu ý.

Theo đó, UOB cho rằng, khả năng mức hỗ trợ 22.700 đồng/USD sẽ khó duy trì và tỷ giá sẽ nhích lên mức 22.900 đồng/USD trong quý 4/2021, 23.000 đồng/USD trong quý 1/2022 và đạt 23.200 đồng/USD trong quý 3/2022.

Niềm tin vào nền kinh tế: Sẽ có cú lội ngược dòng ngoạn mục?

Như Sputnik đã thông tin trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới WB, Standard Chartered đều tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trung và dài hạn.

Ngân hàng Standard Chartered hồi cuối tháng 9 công bố báo cáo nhận định về kinh tế Việt Nam, theo đó, khẳng định tăng trưởng kinh tế quý III chậm lại, nhưng sẽ có khả năng phục hồi trong quý IV/2021, đồng thời, hoạt động thương mại toàn cầu cải thiện cũng hỗ trợ cho xuất khẩu của Việt Nam.

Standard Chartered hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và đạt mức tăng GDP 5,5% trong quý cuối cùng của năm 2021.

Giống như các nền kinh tế khác tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn”, chuyên gia kinh tế Tim Leelahaphan của Standard Chartered khẳng định.

Báo cáo tháng 8/2021 của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021, giảm 1,8 phần trăm so với con số trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2021 của chính WB và dự báo hướng tới mức tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2022.

Trong khi đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hạ sâu dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 từ mức 6,7% xuống 3,8%, năm 2022 vẫn giữ nguyên dự báo trước đó tăng 7%.

Theo các chuyên gia của ADB, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore tăng 6,5%, Malaysia tăng 4,7% và Philipinnes tăng 4,5%.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng Cục Thống kê cho rằng, mặc dù các định chế tài chính đã giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, nhưng xét trong bối cảnh thực tế của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm, tình hình diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam, các mức dự báo này vẫn ở mức tương đối cao, kể cả mức 3,8% của ADB.

Dù nền kinh tế Việt Nam đã đi được khoảng ¾ chặng đường, và để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% khi chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm – gần như không khả thi, nhưng ông Hiếu vẫn tin rằng, Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng.

Khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện tốt hơn trong những tháng cuối năm là tương đối khả quan và điều này sẽ tạo động lực lớn cho năm 2022 để hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng đề ra”, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết.

Theo chuyên gia, có nhiều cơ sở để các định chế tài chính như ADB, IMF, WB, Standard Chartered hay như UOB có thể tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Đúng là một số định chế tài chính quốc tế như ADB, WB đã hạ mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhưng vẫn thể hiện sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn”, ông Hiếu khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nêu ra một số cơ sở trên Kinh tế và Dự báo, cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ nhất, đó là dự báo về sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có độ mở nền kinh tế lớn, quan hệ thương mại với nhiều quốc gia. Đặc biệt những quốc gia lớn, có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Khi kinh tế toàn cầu phục hồi và tăng trưởng thì kinh tế Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng trưởng khá”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc các nền kinh tế đối tác của Hà Nội phục hồi cũng là tín hiệu tích cực cho chính Việt Nam. Khôi phục giao thương, ngoại thương, vận tải, sẽ giúp Việt Nam có cơ hội lớn đẩy mạnh xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Cơ sở thứ hai là tình hình dịch Covid-19 của Việt Nam. Nhờ nỗ lực tiêm chủng, nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động sản xuất sinh hoạt của người dân, với sự đồng lòng của cả Chính phủ và nhân dân, tình hình chung đem tới nhiều tín hiệu lạc quan.

Yếu tố thứ ba chính là nội lực của nền kinh tế. Theo ông Lê Trung Hiếu, mặc dù gặp nhiều tác động rủi ro trong quý III/2021, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhờ sự năng động và bền bỉ, hơn nữa đã có tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020, trong khi các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng kinh tế âm”, ông Hiếu nhắc lại.

Cùng với đó, khu vực FDI vẫn là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy niềm tin lớn của khu vực FDI vào khả năng kiểm soát dịch, chính trị ổn định và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Với tiềm lực của các doanh nghiệp FDI thì khả năng hồi phục nền kinh tế sẽ diễn ra nhanh hơn”, Vụ trưởng Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, các nguồn lực vốn trong dân cư cũng là nền tảng vững chắc cho phục hồi nền kinh tế. Theo ông Hiếu, nhờ vào đặc thù tiết kiệm của người Việt Nam, xét tổng thể vĩ mô thì tổng vốn trong dân cư là rất lớn. Đây cũng là một trong những nguồn huy động vốn quan trọng để tăng tốc quá trình hồi phục nền kinh tế.

Để đạt tăng trưởng kinh tế tốt, ngoài việc khơi thông được thị trường tiêu thụ thế giới thì thúc đẩy sản xuất trong nước trên cơ sở nội lực của nền kinh tế mới là một giải pháp lâu bền và vững chắc”, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê khẳng định.

Thực tế, chúng ta đã thấy được “ánh sáng nơi cuối đường hầm” và tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau mở cửa lại và dần dần hồi phục thời gian tới.

Nguồn: Sputnik Việt Nam