Nhà kinh tế học Chua Hang Ten nhấn mạnh điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam và cho biết FDI vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới.

Điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam

Công ty Dịch vụ Tài chính DBS có trụ sở tại Singapore mới đây đã công bố báo cáo về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, nhà kinh tế học Chua Hang Ten cho biết, Việt Nam đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề của đại dịch vào năm 2021. 

Kết quả, kinh tế Việt Nam trong quý 3/2021 đã suy giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã phản ánh ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất.

 

DBS hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ mức 5,0% xuống 1,8%

Chuyên gia của DBS phân tích, sự sụt giảm sâu trong quý 3 khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam khó lấy lại mức 2,9% như năm 2020, ít hơn nhiều so với mục tiêu GDP của Chính phủ là 6-6,5%.

"Do đó, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ mức 5,0% xuống 1,8%. Bên cạnh đó, do cầu giảm nên CPI có khả năng sẽ thấp hơn trung bình, từ mức 3,3% xuống 2,1%", báo cáo viết.

Tuy nhiên, năm 2022 có vẻ tươi sáng hơn rất nhiều đối với Việt Nam. DBS Group Research đã nâng dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 8,0%, so với 6,8% trước đó.

"Điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam, khi đất nước dần mở cửa trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục trên đà tăng nhanh và tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 giảm", nhà kinh tế học Chua Hang Ten nhấn mạnh.

"Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực bán lẻ và giải trí sẽ cải thiện hơn nữa trong bối cảnh các quy định được nới lỏng hơn và sự thích nghi cao hơn đối với việc 'sống chung với COVID-19'. Doanh số bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống có khả năng phục hồi vào năm 2022", ông Chua cho hay.

FDI vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam

Trong bối cảnh các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh được từng bước mở lại, kết hợp với các biện pháp ngăn xét nghiệm sàng lọc Covid-19, chuyên gia kinh tế Chua Hang Ten cho rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ sớm được phục hồi.
 

FDI vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam. Nguồn: DBS

Bên cạnh đó, chuyên gia của BDS tin rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới. 

Cụ thể, vốn FDI đăng ký mới đạt 12,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, cao hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Chua nhận định, dòng vốn này vẫn có khả năng đạt mức cao mới trong năm nay. 

"Dòng chảy mạnh phản ánh việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Nhìn xa hơn, Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn cho chiến lược đa dạng hóa 'Trung Quốc + 1' của các công ty, do những lợi thế như chi phí lao động cạnh tranh và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do rộng khắp", chuyên gia từ DBS nói.

 

 

Ngoài ra, báo cáo cho hay, bất chấp sự ảm đạm về kinh tế nói chung, đại dịch đã tăng tốc đáng kể quá trình kỹ thuật số hóa và tăng cường áp dụng công nghệ ở Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã chứng kiến sự gia tăng về điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP thực tế vào năm 2021 so với thời điểm trước COVID-19.

"Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới", ông Chua dự báo.

"Việc nâng cao kỹ năng kỹ thuật, kỹ thuật số và chất lượng của lực lượng lao động được phát triển trong những năm tới, sẽ không chỉ giúp tăng năng suất mà còn cho phép Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị sản xuất và thu hút thêm vốn FDI", chuyên gia đến từ Singapore nói thêm.

Nguồn: CafeF