Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các tổ chức quốc tế vẫn giữ quan điểm tích cực về tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quan điểm tích cực

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế ở khu vực này dự kiến đạt 7,7% trong năm nay, từ mức 1,2% của năm ngoái, chủ yếu phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên 8,5% trong năm nay, tăng 0,6% so với dự báo trước đó, do xuất khẩu và nhu cầu mua sắm tăng cao sau đại dịch. Năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% và được dự báo sẽ vừa phải ở mức 5,4% vào năm 2022.

Dự báo kinh tế ở phần còn lại của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tăng trưởng 4,0% vào năm 2021 trong bối cảnh các cơn đại dịch vẫn tiếp diễn và sự phục hồi chậm trễ của ngành du lịch. 2/3 nền kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ duy trì dưới mức trước đại dịch cho đến năm 2022. Theo WB, tăng trưởng khu vực đã tăng trở lại từ năm 2020, nhưng tốc độ phục hồi có sự khác biệt giữa các quốc gia. Trong số 3 nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan, chỉ có Trung Quốc là có sản lượng vượt qua mức trước đại dịch.

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng 5,6% vào năm 2021, tốc độ nhanh nhất sau suy thoái, phần lớn là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn. Bất chấp sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn khoảng 2% so với dự báo trước đại dịch vào năm 2022. Khi các nền kinh tế đang phát triển phục hồi sau đại dịch, việc cắt giảm chi phí thương mại có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để tái tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và kích thích tăng trưởng thương mại.

Lấy lại vị thế dẫn đầu

Theo báo cáo mới nhất đưa ra tháng 9, dự báo cơ bản của Oxford Economics là nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của châu Á sẽ tăng từ 5% đến 7% vào năm 2022, phản ánh nhu cầu vững chắc của Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu và khu vực. Tổng sản lượng xuất khẩu tăng trưởng vào năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 2,7% (Indonesia - sau mức tăng rất lớn vào năm 2021) và 13,9% (Thái Lan - tăng trưởng nhờ du lịch phục hồi), so với mức -2% (Australia) và 20,9% (Ấn Độ) trong năm nay. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở lại vị trí là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2022 và hơn thế nữa, vào giữa năm tới, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ trở lại các xu hướng tăng trưởng mạnh đã thấy trước cuộc khủng hoảng.

Nhà kinh tế trưởng Simon Knapp của Oxford Economics cho biết, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình cho năm 2021 đã giảm trong 6 tháng qua mặc dù điều này một phần thể hiện sự khác biệt giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế thị trường mới nổi. Trước đây, các nền kinh tế Đài Loan và Hồng Kông đã có những bước nâng cấp đáng kể trong giai đoạn này trong khi ở nhóm thứ hai, cả 6 nền kinh tế đều bị giảm triển vọng tăng trưởng, trong đó mức lùi lớn nhất xảy ra ở Philippines (dự báo giảm từ 8% trong tháng 3 xuống còn 3,5% vào tháng 9).

Tại Ấn Độ, sự gia tăng của virus vào tháng 4, 5 đã làm gián đoạn nghiêm trọng - mặc dù tạm thời, trong khi ở khu vực ASEAN, các đợt bùng phát mạnh và sự xuất hiện của biến thể Delta có mức độ dịch chuyển tăng trưởng thấp hơn nhiều so với bình thường. Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các ca nhiễm mới cũng đã dẫn đến sự gián đoạn định kỳ và lượng hàng bán ra chậm chạp ở một số khu vực có nhu cầu trong nước.

Oxford Economics cũng cho biết, trong quý III tình trạng suy giảm thêm liên quan đến đại dịch ở Malaysia có thể sẽ dẫn đến sự sụt giảm GDP quý thứ hai liên tiếp, trong khi những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát nghiêm trọng của virus trong quý này có thể dẫn đến sự suy giảm GDP ở Indonesia, Australia, Thái Lan. New Zealand, và Việt Nam. Trong khi đó, sự gián đoạn từ phía nguồn cung rộng rãi dẫn đến việc phục hồi thương mại bị tạm dừng, bao gồm sự gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu hụt (đặc biệt là chất bán dẫn) và tắc nghẽn ở nhiều cảng quan trọng trên thế giới, dẫn đến sự chậm trễ kéo dài.

Các nhà kinh tế kỳ vọng những vấn đề này sẽ bắt đầu giảm bớt trong vài quý tới khi nhiều nền kinh tế tiến tới mức hoạt động bình thường và thương mại toàn cầu có thể sẽ lấy lại động lực trong nửa đầu năm tới.

Giải phóng sự “đứt gãy” trong cung ứng

Sự gia tăng gần đây của làn sóng Covid-19 mới ở Đông Nam Á đã làm tắc nghẽn các cảng và đóng cửa các đồn điền và xưởng chế biến, gây ra sự gián đoạn kéo dài đối với các nguyên liệu thô trong khu vực. Những cú sốc về nguồn cung này gây ảnh hưởng trên toàn cầu vì các nước như Việt Nam và Malaysia chiếm thị phần lớn đối với các mặt hàng chủ lực.

Các biện pháp kiềm chế đi lại được đưa ra trong những tháng gần đây để đối phó với các ca Covid-19 gia tăng đã làm tăng thêm thách thức mà các công ty dầu cọ ở Malaysia phải đối mặt, khi các đồn điền bùng phát, khiến các công ty phải đóng cửa. Ảnh hưởng tổng thể là xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 8 tháng đầu năm 2021 giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Hội đồng Dầu cọ Malaysia. Khi chính phủ Malaysia có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế vào cuối năm nay, dự đoán các quy định về lao động nước ngoài sẽ được nới lỏng vào đầu năm tới, điều này sẽ giúp các đồn điền dầu cọ tăng cường lực lượng lao động.

Đối với mặt hàng cà phê, bắt đầu từ tháng 7, một đợt bùng phát ở Việt Nam đã khiến chính phủ đưa ra các biện pháp hạn chế di chuyển gây cản trở các chuyến hàng. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta có vị đắng lớn nhất thế giới dùng trong pha cà phê hòa tan và cà phê espresso. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ tháng 1 đến ngày 15/8 đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty cà phê lớn thường sử dụng cả robusta và arabica trong hỗn hợp và pha chế. Giá cả hai loại đều tăng mạnh trong năm nay, chủ yếu do hạn hán và băng giá ở Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Những khó khăn trong sản xuất của Việt Nam trong nhiều tháng qua đang góp phần làm tăng giá cả. Các công ty cà phê phương Tây cho biết giá cao hơn sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Để giải quyết những “đứt gãy” của chuỗi cung ứng hàng hóa, các nước đã và đang nới lỏng các hạn chế nhằm đưa thị trường trở lại bình thường, xác định chiến lược “học cách sống chung với virus” là tiền đề tăng trưởng kinh tế khu vực phục hồi bền vững hơn.

Nguồn: Báo Công Thương