Dù thị trường ôtô trong nước đang trầm lắng do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng hoạt động nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô trong những tháng vừa qua có sự tăng trưởng mạnh. Điều đó cho thấy, hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Nhập khẩu linh kiện và phụ tùng tăng cao

Theo Tổng cục Hải quan, riêng tháng 8 cả nước chi 329 triệu USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô các loại. Dù giảm so với con số 421 triệu USD của tháng 7, nhưng vẫn ở mức cao.

Tính trong 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ôtô đạt 3,38 tỷ USD, tăng tới 48,9%, tương ứng tăng 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô của Việt Nam khá đa dạng, nhưng các quốc gia có kim ngạch lớn tập trung ở châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… Đơn cử như trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô từ Hàn Quốc đạt 81 triệu USD, Trung Quốc đạt 61 triệu USD, Thái Lan đạt 60 triệu USD, Nhật Bản đạt 40 triệu USD, Ấn Độ đạt 23 triệu USD. Như vậy, riêng 5 thị trường nêu trên đạt 265 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 81% trong tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô của cả nước trong tháng qua.

Từ đầu năm đến nay, dù dịch Covid-19 nhiều phức tạp nhưng các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô vẫn ăn nên làm ra. Cụ thể, khởi sắc ở chiều nhập khẩu mà căn cứ vào lượng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu tăng mạnh có thể thấy hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cũng đang trên đà tăng trở lại.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, lũy kế trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ôtô trong nước đã sản xuất và lắp ráp 185.300 xe, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, mỗi ngày có 838 ôtô được xuất xưởng từ các nhà máy sản xuất ôtô tại Việt Nam. Trong khi đó, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc các loại 7 tháng năm 2021, ước đạt 98.000 chiếc. Như vậy, tính trong 7 tháng, lượng ôtô lắp ráp trong nước đang nhiều gấp 1,89 lần so với lượng xe nhập khẩu.

Nhiều chính sách ưu đãi cho hoạt động sản xuất, lắp ráp xe đã đi vào hiệu lực, tạo ra tác động tốt cho thị trường. Điều này khiến nhiều mẫu xe ăn khách đã được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp. Các nhà sản xuất cũng mạnh dạn đầu tư nhiều hơn cho việc mở rộng hoạt động trong nước. Đây là một tín hiệu rất tích cực từ thị trường trong giai đoạn khó khăn khi nhiều nhà máy của thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào ngày 27/4 đến nay. Với những động thái dần mở cửa các thành phố lớn trong giai đoạn này, hứa hẹn tiếp tục tăng doanh số ôtô lắp ráp trong giai đoạn cuối năm nay.

Hướng tới tự chủ sản xuất ôtô

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, lắp ráp xe hơi đang dần khẳng định được vai trò, vị thế trên thị trường ôtô nội địa. Cụ thể, sản lượng xe hơi được sản xuất tại Việt Nam trong 2 năm trở lại đây tăng rất nhanh. Đặc biệt, năm 2020 thị trường trong nước có thể vượt qua Philippines (quốc gia có sản lượng xe hơi đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á) cả về số lượng sản xuất lẫn bán hàng.

Việt Nam hiện đang có trên 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp và sản xuất ôtô. Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, sản lượng xe hơi được sản xuất và lắp ráp trong nước tăng từ 287.586 xe (năm 2018) lên 323.892 xe (năm 2020). Rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ôtô với tổng công suất lắp ráp lên đến 755.000 xe/năm (trong đó, 35% là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và 65% của doanh nghiệp trong nước).

Trong 3 năm gần đây, sản lượng lắp ráp và sản xuất các dòng xe dưới 9 chỗ đã đáp ứng được 70% nhu cầu sử dụng thực tế trong nước. Một số chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách trên 25 chỗ và xe chuyên dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, trong đó xe khách chiếm trên 60%, xe tải nhẹ chiếm 50%. Sản lượng xe cá nhân (chỉ riêng 8 mẫu xe bán chạy nhất) được lắp ráp trong nước đạt 62.536 xe trong nửa đầu năm 2021. Các sản phẩm xe khách và xe con lắp ráp mang thương hiệu ôtô Việt Nam còn được xuất khẩu sang một số thị trường trong khu vực như: Philippines, Thái Lan...

Nguồn: Báo Công Thương