Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-CH Séc duy trì được mức tăng trưởng, tính nửa đầu năm 2021 đạt 936 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ những nỗ lực của cả hai bên và EVFTA.

Tối 19/9 theo giờ địa phương, tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc tổ chức Diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam-Cộng hòa Séc.

Tham dự diễn đàn có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng, đại diện lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc cùng hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh tại Cộng hòa Séc.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Thái Xuân Dũng đánh giá cao sự quan tâm tham gia của đông đảo đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc, thể hiện tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, đặc biệt là trong bối cảnh cả Việt Nam và Cộng hòa Séc cũng như nhiều nước khác đang tìm biện pháp khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Đại sứ khẳng định mục đích chính của diễn đàn nhằm giúp các doanh nghiệp trao đổi những vẫn đề được quan tâm, những yếu tố vướng mắc để nắm được nội dung cơ bản cũng như những thuận lợi trong hợp tác đầu tư làm ăn giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Séc và Liên minh châu Âu (EU) do Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đem lại.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể đề ra kế hoạch và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại đầu tư, đặc biệt tích cực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động để hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa kinh doanh đối với các doanh nghiệp Việt Nam theo đúng với “Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam” mới được ban hành ngày 14/7/2021 vừa qua.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Cộng hòa Séc duy trì được mức tăng trưởng, tính nửa đầu năm 2021 đạt 936 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ những nỗ lực của cả hai bên và EVFTA.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, anh Nguyễn Mạnh Tùng, nguyên Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tại Cộng hòa Séc, cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp Cộng hòa Séc muốn tìm hiểu về các doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và về những thay đổi do EVFTA đem lại để tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với các đối tác Việt Nam.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay của các đối tác Cộng hòa Séc là khó khăn về ngôn ngữ và thiếu thông tin về các doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam.

Anh Nguyễn Mạnh Tùng mong muốn Việt Nam mở rộng thị trường sang Cộng hòa Séc, chia sẻ thông tin nhiều hơn, đồng thời các doanh nghiệp trẻ tại Cộng hòa Séc có thể kết nối với quê hương tốt hơn để giúp cung cấp thông tin, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam đến thị trường Cộng hòa Séc và EU.

Theo doanh nhân trẻ Nguyễn Mạnh Tùng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần tăng cường kết nối chia sẻ quá trình sản xuất, logistics sang Cộng hòa Séc vì đây hiện đang là những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam. Anh cũng chia sẻ đã có 3 năm nhập khẩu sản phẩm chè với thương hiệu “Master Việt Nam” vào thị trường Cộng hòa Séc.

Tuy nhiên, sản phẩm này hiện chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm tương tự của Nhật Bản và Trung Quốc vốn được quảng bá tốt, có thương hiệu mạnh và chất lượng cao theo tiêu chuẩn EU. Anh cũng mong muốn các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ tạo dựng được thương hiệu mạnh tại Cộng hòa Séc.

Anh Nguyễn Mạnh Tùng đánh giá các doanh nhân trẻ Việt Nam tại Cộng hòa Séc rất năng động, song hiện vẫn thiên về start-up và khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Do đó, anh mong muốn các doanh nhân nên tích cực về thăm Việt Nam để có thể cảm nhận được sự tươi đẹp của quê hương đất nước, trải nghiệm được giá trị, chất lượng của các đặc sản của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, từ đó góp phần quảng bá, đưa các sản phẩm của Việt Nam đến với thị trường Cộng hòa Séc và EU.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi EVFTA đã có hiệu lực, trong khi Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) đang trong tiến trình thông qua, cũng như những thách thức trong thúc đẩy thương mại, đầu tư trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Nhiều doanh nghiệp cũng thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác cũng như tìm kiếm cơ hội với đầu tư các đối tác Việt Nam và đưa ra các sáng kiến nhằm giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm tìm biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch và tăng cường cơ hội hợp tác làm ăn với các đối tác Cộng hòa Séc và EU.

Nguồn: VietnamPlus