Cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu rút "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác của VN xuất khẩu vào EU với lý do những nỗ lực của VN vẫn chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp.

Ngay sau đó, một loạt các biện pháp gỡ "thẻ vàng" đã được triển khai ở 28 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sau 4 năm, "thẻ vàng" vẫn chưa được gỡ. Điều này gây khó nhiều mặt cho thủy sản Việt Nam khi vào EU.

Thẻ vàng làm giảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU

Gần 4 năm trôi qua, từ ngày Ủy ban ban Châu Âu (EC) áp thẻ vàng cảnh cáo các hành vi khai thác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp IUU, đến nay Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ vàng. Trong 4 năm qua, việc này đã làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU. Thị trường EU từ vị trí số 2 trong xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.

Hoạt động xuất khẩu hải sản là lĩnh vực bị tác động trực tiếp, gần như lập tức từ thẻ vàng của IUU. Dù hoạt động này chưa bị dừng hẳn, nhưng đang có dấu hiệu giảm khá rõ. Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU giảm tới 24% trong giai đoạn từ 2017 đến 2020. Hiện mỗi năm giá trị xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU không quá 400 triệu USD. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thủy sản là ngành được ưu đãi nhất về thuế, nhưng nếu ngành thủy sản trong nước không "gỡ" được thẻ vàng IUU, coi như đã đánh mất cơ hội trên. Còn nếu trong tình huống xấu nhất EC áp dụng thẻ đỏ, mọi hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU sẽ bị cấm và thị trường EU sẽ đóng cửa với hàng hải sản Việt Nam.

Thực tế này không phải đến nay mới được nhìn nhận mà gần 4 năm qua, một loạt giải pháp gỡ thẻ vàng IUU đã được nhiều Bộ ban ngành, 28 tỉnh thành trên cả nước cùng phối hợp thực hiện, các hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp đã giảm mạnh, tuy nhiên vẫn chưa chấm dứt.

Khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn tái diễn

Đã 2 năm nay, tàu của anh Đinh Phát Giỏi trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng lắp thiết bị giám sát hành trình, anh khẳng định việc này tốt để giúp nếu tàu có gặp nạn thì sẽ được hỗ trợ kịp thời, tuy nhiên, anh cũng cho biết, việc các tàu cá ngắt thiết bị hành trình khi đi khai thác ngoài biển là có.

Anh Đinh Phát Giỏi cho biết: "Không giống như trên bờ, ra ngoài khơi thì cũng có chuột bọ cắn, gió bão to, điện đài không có đôi khi mất tín hiệu".

Địa phương này đã lắp thiệt bị giám sát hành trình được 90% tổng số tàu đủ tiêu chuẩn cao hơn mức chung của cả nước. giúp cơ quan quản lý giám sát tàu đánh bắt ngoài biển đảm bảo không vi phạm quy định IUU. Tuy nhiên trên thực tế, 6 tháng đầu năm vẫn có trên 300 lượt tàu cá tự ý tắt thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối với cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Tổng cục thủy sản, 6 tháng đầu năm vẫn phát hiện được 15 vụ/25 tàu cá khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra thì việc gỡ thẻ vàng của EC là khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: "Một trong những điều kiện tiên quyết phía EC yêu cầu chúng ta cần phải chấm dứt hoàn toàn, mặc dù là đã giảm tuy nhiên hiện tượng vẫn tiếp diễn phức tạp hơn".

Để tăng cường quản lý đội tàu cá, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp phối hợp, phát hiện, phòng ngừa sớm, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài.

Hạ tầng thủy sản chưa được đầu tư đúng mức

Ngoài việc quản lý tốt đội tàu, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng là bước then chốt để thuyết phục EC gỡ thẻ vàng. EC sẽ thanh tra việc đánh bắt cá ở vùng biển nào, kinh độ, vĩ độ ra sao, thời gian nào, mang cá về cảng phân loại ra sao, mang về kho chế biến xuất khẩu đi những thị trường nào, còn tồn bao nhiêu kg. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều khó khăn vì hạ tầng thủy sản thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức.

Đây là một trong những cảng cá được chỉ định, tiếp nhận tàu có chiều dài trên 15m, tuy nhiên do luồng lạch 10 năm nay không được nạo vét, việc vào bến của tàu thuyền lại phải phụ thuộc vào con nước. Nước lớn thì tàu dài trên 15m mới vào được, còn nếu không phải đứng ngoài khơi nhờ tàu nhỏ truyền tải vào bờ, kéo theo việc giám sát tàu cũng như thủy sản gặp khó.

Thêm nữa, hệ thống nhà phân loại còn thô sơ, diện tích nhỏ ảnh hưởng đến việc phân loại cá, làm thất thoát sau thu hoạch tăng lên, gây khó truy suất nguồn gốc thủy sản.  Nhìn nhận được thực tế này, vừa qua Bộ Nông nghiệp xác định tăng cường đầu tư công cho việc phát triển hạ tầng thủy sản.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản thủy sản khai thác còn rất nhiều yếu kém. Tàu nhỏ, khoang cũng nhỏ mà chỉ bảo quản bằng mỗi đá, thất thoát sau thu hoạch lớn, chất lượng không đảm bảo, truy xuất khó.

Qua gần 4 năm chống khai thác IUU, gỡ "thẻ vàng", phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam và đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Bám theo 4 nhóm khuyến nghị trên, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ tại 28 tỉnh, thành phố, việc gỡ thẻ vàng mới thành hiện thực vì vừa qua Bộ đã chỉ ra có tới 19 địa phương lơ là trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Nguồn: VTV