Đầu tháng 6-2021, các nước thành viên hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Nhật Bản đang giữ vị trí nước chủ tịch, đã đồng ý cho nước Anh bắt đầu đàm phán gia nhập CPTPP. Trước đó, Anh chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 2-2021.

Lợi ích của việc gia nhập CPTPP được Bộ trưởng Thương mại quốc tế nước Anh tóm tắt như sau: “Tư cách thành viên CPTPP là một cơ hội lớn cho nước Anh. Nó sẽ giúp chuyển dịch sức hút trung tâm kinh tế ra khỏi phạm vi châu Âu, đến các khu vực đang phát triển nhanh chóng của thế giới, và tăng cường sự tiếp cận của chúng ta đến các thị trường tiêu dùng khổng lồ ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Hiện nay, các phân tích chính sách đa phần là hoan nghênh sự kiện này. Sự tham gia của nước Anh dự đoán đem lại lợi ích hai chiều cho chính nước Anh và cả phía 11 nước ký kết CPTPP, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, lưu ý rằng chúng ta cũng vừa ký Hiệp định Thương mại tự do với nước Anh (UKVFTA) vào cuối năm 2020, hiện đang trong quá trình triển khai thực hiện. Mà thật ra, đó là phiên bản đã được sửa đổi, bổ sung từ nền tảng là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Lợi ích của việc Anh gia nhập CPTPP

Việc đàm phán gia nhập CPTPP của Anh là một minh chứng rõ ràng nhằm ủng hộ một trật tự thương mại quốc tế dựa trên luật lệ (rule-based), khi mà những trở ngại do chủ nghĩa bảo hộ gây ra đang làm chao đảo định chế thương mại thế giới (WTO) và các mối quan hệ kinh tế song phương.

Trên tư cách là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới (ước đoán của IMF năm 2020), việc gia nhập của Anh sẽ mở rộng độ bao phủ kinh tế của CPTPP, bao gồm sự tiếp cận thị trường, tài chính, công nghệ qua lại của nhau.

Đây là minh chứng cho sự “giành lại” chủ quyền kinh tế sau Brexit của Anh. Các tiêu chuẩn cao của CPTPP được xem là sẽ thay thế những hiệp định thương mại tự do song phương mà nước Anh đang có với một số nước ký kết CPTPP (Canada, Việt Nam, Singapore, Mexico, Chile, Peru và gần đây nhất là Nhật Bản).

Tính mở và bao quát cao của CPTPP sẽ khai thác thế mạnh của Anh trong lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử, thúc đẩy xây dựng một chuỗi cung ứng an toàn và đa dạng hơn.

Một số học giả cho rằng việc gia nhập của Anh có vẻ là một động thái cả về ngoại giao lẫn kinh tế, nhưng lợi ích kinh tế có thể không được đột phá như kỳ vọng vì Anh đã có các hiệp định thương mại với hơn phân nửa các nước ký kết CPTPP. Nhưng, tham gia một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao với các nước chủ chốt được kỳ vọng là nền tảng cho chính sách đối ngoại hướng về châu Á - Thái Bình Dương trong khi Liên minh châu Âu vẫn chưa có một động thái mạnh mẽ hơn.

Lợi ích đầu tiên cho các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước chưa có hiệp định thương mại song phương với Anh, là tiếp cận dễ dàng hơn đến các ngành công nghiệp tiên tiến của Anh để hiện đại hóa kinh tế trong nước. Việc đàm phán gia nhập CPTPP của Anh được kỳ vọng nhằm thúc đẩy việc phê chuẩn, hoàn thành các hiệp định thương mại tự do song phương từ phía các quốc gia còn lại trong khối (Brunei, Chile, Peru và Malaysia). Đây cũng là một tiền lệ đáng tham khảo cho sự trở lại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden hay những gợi ý gần đây từ phía Trung Quốc.

CPTPP, về phía mình, sẽ chuyển từ một hiệp định thương mại mang định hướng khu vực sang một nền tảng luật lệ thương mại quốc tế mang tính đại diện cao hơn.

Việc đàm phán gia nhập CPTPP của Anh là một minh chứng rõ ràng nhằm ủng hộ một trật tự thương mại quốc tế dựa trên luật lệ (rule-based), khi mà những trở ngại do chủ nghĩa bảo hộ gây ra đang làm chao đảo định chế thương mại thế giới (WTO) và các mối quan hệ kinh tế song phương. Ngoài ra, sức mạnh truyền thông quốc tế của Anh sẽ gia tăng uy tín của CPTPP như là một tiêu chuẩn thương mại quốc tế hiện đại, đáp ứng sự đa dạng trong trình độ phát triển kinh tế lẫn thể chế quốc gia.

Những thách thức khi đàm phán gia nhập

Việc Anh tham gia một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao với các nước chủ chốt được kỳ vọng là nền tảng cho chính sách đối ngoại hướng về châu Á - Thái Bình Dương trong khi Liên minh châu Âu vẫn chưa có một động thái mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, thách thức có thể diễn ra trong quá trình đàm phán vẫn hiện hữu. Một vài chuyên gia cho rằng sự khác biệt về mô hình hiệp định thương mại tự do giữa CPTPP (theo phong cách Mỹ) và các hiệp định song phương của Anh (theo phong cách châu Âu) có thể gây ra một số cản trở.

Có thể kể đến vấn đề quản lý dữ liệu trong hoạt động thương mại điện tử. Tuy Anh đã thể hiện sự tiếp cận “gần với kiểu Mỹ” về vấn đề thương mại điện tử trong hiệp định thương mại tự do vừa mới ký kết với Nhật Bản, nhưng còn đó những quan ngại trong nước về quyền riêng tư đối với dữ liệu hay được gọi là vấn đề bảo vệ dữ liệu trong hoạt động thương mại điện tử.

Có một chỉ dấu khá rõ là, nếu gia nhập CPTPP, Anh sẽ chấp nhận dữ liệu di chuyển đến một số  nước thành viên CPTPP mà tiêu chuẩn bảo vệ không tương xứng với mình. Đây sẽ là vấn đề chính trị - pháp lý trong nước phức tạp mà người Anh cần có hướng giải quyết ổn thỏa khi tiến hành đàm phán gia nhập CPTPP.

Tiếp theo có thể là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS). Hiện nay, những quan ngại đang gia tăng ở Anh về việc cơ chế ISDS có thể nguy hiểm đến không gian chính sách quốc gia, đặc biệt về các vấn đề phát triển bền vững như chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, khi chấp nhận tất cả quy tắc trong CPTPP, câu hỏi được đặt ra là trong chừng mực nào Anh được “linh hoạt hóa” bằng các thỏa thuận “side-letter” như các nước đã ký kết CPTPP.

Lợi ích kỳ vọng cho Việt Nam?

Việc Anh gia nhập CPTPP có thể không mang lại một đột phá hay tác động gì to lớn đến quan hệ thương mại giữa nước ta và Anh. Cam kết mở cửa thị trường cho xuất khẩu hàng hóa là một lợi ích cốt lõi trong chính sách thương mại quốc tế của nước ta, nếu nước Anh không có trong CPTPP, thì đều này có thể đảm bảo bằng Hiệp định thương mại giữa nước ta và Anh (UKVFTA).

Còn nói về nâng cao cải cách thể chế kinh tế, điều hòa chính sách, thì dù có Anh trong CPTPP hay không, nước ta cũng phải thực hiện thông qua lực đẩy của chính CPTPP. Có chăng nước ta cần lưu ý đến sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Anh ở châu Á - Thái Bình Dương, mà mở đầu là động thái gia nhập CPTPP, sẽ là một dấu hiệu địa chính trị tích cực.

Khi lợi ích đến từ các nước bên ngoài khu vực đan xen càng nhiều trên vùng kinh tế năng động nhưng đầy phức tạp này, thì họ sẽ gây ảnh hưởng, cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau, góp phần duy trình ổn định khu vực, đặc biệt là sự ảnh hưởng từ phía Trung Quốc.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn