Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Sau hơn hai năm thực thi, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai trên thực tế. Những kết quả đầu tiên về xuất-nhập khẩu, đầu tư và các dữ liệu về công tác cải cách thể chế đã cho thấy phần nào hiệu quả từ hiệp định mang lại.

Tuy nhiên, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Có thể thấy, hiệu quả thực sự của CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung phụ thuộc phần lớn vào hành động của các doanh nghiệp (DN).

Nhiều cơ hội còn bỏ lỡ

Da giày là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với hơn 90% sản phẩm sản xuất ra là để xuất khẩu; việc hội nhập thông qua tham gia các FTA là cơ hội lớn để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tăng năng lực sản xuất.

Nhấn mạnh da giày là một trong những bước đầu tận dụng được cơ hội từ CPTPP, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, Phan Thị Thanh Xuân khẳng định, CPTPP đã đem tới những kết quả tích cực cho ngành da giày, như tỷ lệ nội địa hóa được nâng lên, tỷ trọng xuất khẩu da giày sang các nước khối CPTPP tăng khoảng 13% so với trước đây; xuất khẩu được đẩy mạnh sang các thị trường tiềm năng như: Canada, Mexico (hai thị trường mới ngành này tiếp cận được sau khi CPTPP có hiệu lực).

"Thay vì phải xuất khẩu gián tiếp qua nước thứ ba, giờ các sản phẩm da giày Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Canada, Mexico nhờ những ưu đãi thuế quan từ CPTPP đem lại", bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, chỉ trong vòng 2 năm (2019 và 2020), kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đã đạt 77,4 và 78,2 tỷ USD, tăng 3,9% và 5% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP năm 2019 đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018 và năm 2020 đạt 38,7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2018.

Trong đó, nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang hai thị trường mới trước đó chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2020 xuất khẩu sang Canada tăng 12,1%, Mexico tăng 11,8% so với năm 2019. Đây cũng chính là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam mà tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các thành viên.

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Canada tăng 15% (đạt 1,13 tỷ USD), Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD). Trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vào thị trường các nước thuộc CPTPP cho thấy hiệp định này ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

CPTPP đã tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang, so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn, khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019  là 7,2%  (với tất cả các thị trường CPTPP), thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tính chung các thị trường trong khối CPTPP chỉ là 1,67%-mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Ðây là dấu hiệu cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ CPTPP còn rất hạn chế, cần có những giải pháp mới, mạnh mẽ hơn để khai thác hiệu quả hiệp định này.

Đề cập tới lý do khiến DN Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ FTA thế hệ mới này, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết đó là do nhiều DN không biết về những ưu đãi thuế quan theo CPTPP, cũng như khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu...

Điều tra của VCCI cũng cho thấy, DN nghe nói nhiều, nhưng phần lớn chỉ biết sơ qua về CPTPP. Cụ thể, hiện có gần 6% DN không biết về CPTPP; hơn 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về CPTPP; gần 20% DN biết khá rõ và gần 5% DN biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình...

“Nhóm DN biết rõ, hiểu kỹ về CPTPP lại là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhìn sâu vào con số xuất khẩu thì DN FDI đang tận dụng hiệu quả CPTPP hơn DN Việt Nam rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Doanh nghiệp cần chủ động vì dư địa tăng trưởng còn lớn

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực), đang đàm phán 2 FTA.

Trong số đó, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm CPTPP, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ ASEAN là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Có thể nói, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA đã trở thành “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Nhưng nhìn vào kết quả sau hai năm thực thi CPTPP, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường, cơ hội xuất khẩu sang các nước thành viên của các FTA là rất lớn, song không phải DN nào cũng tận dụng được cơ hội này. Có thể thấy, hiệu quả thực sự của CPTPP nói riêng và các FTA nói chung phụ thuộc phần lớn vào hành động của các DN.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, để tận dụng hiệu quả CPTPP nói riêng, các FTA thế hệ mới nói chung còn nhiều việc phải làm, cần giải pháp mạnh hơn. Nhà nước cần sớm rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý, tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho DN trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho DN.

Về phía DN cần thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động tìm hiểu trước các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm để tiếp cận thị trường mới, để quyết định mình có được hưởng lợi không và hưởng lợi bao nhiêu từ FTA.

Có cùng quan điểm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Đứng đầu trong các lực cản đối với việc hiện thực hóa kỳ vọng từ CPTPP và các FTA là năng lực cạnh tranh của chính các DN. Có tới 51,3% DN tự nhận thức được khả năng cạnh tranh của họ còn kém so với đối thủ. Chính vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là yếu tố quan trọng và quyết định thành công trong bối cảnh hội nhập.

“DN phải nhận thức được điều này để tự vượt lên, song DN cũng rất cần sự hậu thuẫn của Nhà nước bằng thể chế. Theo đó, các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các DN nhỏ, siêu nhỏ”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Nguồn: Tạp chí Tài chính