Việt Nam là một trong những quốc gia có mứchội nhập kinh tế rất cao, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại với các trung tâm kinh tế hàng đầu. Điều này đã khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như ghi dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong suốt thời gian qua.

Hướng đi đúng đắn, sáng suốt

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng ta, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chủ động và tích vực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực, với các dấu mốc quan trọng như: Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN - năm 1995); là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM - năm 1998); trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC – năm 1998) và đặc biệt là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO - năm 2007), đánh dấu sự hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.

Là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện công tác đàm phán, ký kết các FTA và các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực), và đang đàm phán 2 FTA. Trong số đó, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); và 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ ASEAN là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trong hội nhập và đối ngoại quốc tế, Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn, từ chỗ chỉ tích cực tham gia trong các khuôn khổ hội nhập, cũng như trong các hợp tác quốc tế, thì nay chúng ta đã chủ động dẫn dắt và gần như đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong ASEAN. Minh chứng rõ nét là với Hiệp định CPTPP, RCEP, Việt Nam đã đạt được việc ký kết các hiệp định này, trong khi rất nhiều nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của các nước khác không thể kết thúc nổi đàm phán. Chính sự chủ động dẫn dắt của Việt Nam đã mang lại hiệu quả cho chiến lược hội nhập, điều đó khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong dàn xếp các hoạt động đàm phán và phối hợp với các nước đối tác.

Ngoài việc tham gia vào các FTA, trong quá trình hội nhập kinh tế ASEAN, Việt Nam cũng đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng khi hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN trong các năm 1998, 2010 và mới đây là năm 2020.

Năm 1998, chỉ ba năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của khối, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6. Kế hoạch hành động Hà Nội được đưa ra tại Hội nghị đã giúp duy trì sự hợp tác và tăng cường vị thế của hiệp hội trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997- 1998. Và ngay trong năm 2010,Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Những “trái ngọt” từ các FTA

Có thể nói, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA đã trở thành “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Đơn cử như với thị trường EU, nếu như trong 3 quý đầu năm 2020, xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 29,44 tỷ USD giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 thì sau 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA đã đạt khoảng 11,08 tỷ USD như vậy là tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết năm 2020, xuất khẩu sang thị trường này đạt 40,05 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi. Điển hình, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hay giá gạo Việt xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Cùng với việc trao đổi thương mại của Việt Nam với các quốc gia EU đạt nhiều tín hiệu khả quan ngay trong tháng khởi đầu năm 2021, tình hình xuất nhập khẩu với Vương quốc Anh tiếp tục cho thấy những hiệu ứng tích cực trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Với những cam kết cắt giảm thuế suất lên đến 99% theo lộ trình cùng tính chất tiếp nối, Hiệp định UKVFTA cũng hứa hẹn duy trì đà tăng trưởng thương mại bứt phá giữa Việt Nam và Anh Quốc trong những năm tiếp theo.

Trong khi đó, với Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/1/2019, chỉ trong vòng 2 năm (năm 2019 và 2020), kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đã đạt 77,4 và 78,2 tỷ USD, tương ứng tăng 3,9% và 5% so với năm 2018. Riêng về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP năm 2019 đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018 và năm 2020 đạt 38,7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2018 khi chưa có hiệp định. Trong đó, nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2020 xuất khẩu sang Canada tăng 12,1%, Mexico tăng 11,8% so với năm 2019. Đây cũng chính là hai thị trường có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các thành viên. Kết quả này càng khẳng định cho những dự báo về sự tăng trưởng tích cực khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP.

Đối với 11 FTA truyền thống, tác động rõ rệt nhất đối với thương mại hàng hóa chính là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA đạt 123,11 tỷ USD.

Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện. Vì vậy, trong từ 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, Bộ Công Thương sẽ đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Hiệp định của ASEAN với các đối tác. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối tác.

Nguồn: Báo Công Thương