Kết nối giữa khu vực FDI và doanh nghiệp (DN) trong nước chưa như kỳ vọng, làm giảm hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động...

Hầu hết giao dịch không có DN Việt Nam

Hiện tại có 50 DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Samsung đã có những hỗ trợ cần thiết giúp các công ty này cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng để trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn đến từ Hàn Quốc là không dễ.

Ông Hoàng Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH 4P - DN nội địa đầu tiên cung cấp bản mạch điện tử cho LGE tại Việt Nam cho biết: “Samsung rất khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, buộc 4P phải cải tổ DN, chấp nhận những yêu cầu kỹ thuật, điều kiện làm việc, nhất là tiêu chuẩn “phòng sạch”. Bởi sử dụng đúng cách “phòng sạch” - một công đoạn trong quá trình sản xuất, mới có thể tránh được rủi ro cũng như các sự cố về chất lượng sản phẩm”.

Muốn trở thành nhà cung cấp cho Samsung, DN Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn đánh giá vendor (nhà cung cấp) của tập đoàn này. Theo ông Kim Kyung Tae - chuyên gia của Công ty Samsung Việt Nam, hiệu suất và quản lý đang là những hạn chế của các DN Việt Nam, dù phương pháp 5S (phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc, được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật, gồm sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) được thực hiện khá bài bản.

Việc vượt qua được các tiêu chí đánh giá đó, ông Kim cho là “không đơn giản”. DN Việt phải chuẩn bị rất nhiều mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá các vendor của Samsung. Samsung cũng có những chỉ tiêu đánh giá khác liên quan đến môi trường, tiềm năng tài chính.

Theo nguồn tin của Vietnam Investment Review (VIR), trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% giao dịch của Samsung Electronics tại Việt Nam đều là DN FDI có quy mô lớn khác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, như Samsung Electro-Mechanics và Samsung SDI Vietnam, hai công ty con của Samsung, MCNEX Vina sản xuất module camera, Power Logics Vina sản xuất bảng mạch bảo vệ pin, CammSys Vietnam cung cấp module camera, Goertek Vina sản xuất tai nghe, mic, Intops Việt Nam chuyên vỏ điện thoại, SI Flex sản xuất mạch in linh hoạt; AAC Technologies Vietnam sản xuất module loa, micro... Tất cả đều không phải là DN Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng liên kết yếu

Tại cuộc họp ngày 12/3/2021 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề cần lưu tâm. Theo ông Dũng, tính liên kết giữa các DN Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối để cùng nhau phát triển. DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài./.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn