Sự liên kết của doanh nghiệp cùng dòng vốn đầu tư chảy vào “vùng trũng” nguyên liệu đang dần khép kín chuỗi giá trị ngành dệt may, đưa dệt may Việt Nam tới gần với mục tiêu 55 tỷ USD năm 2025.

Mặc dù trong 2020, tổng cầu dệt may thế giới giảm 25% kéo theo dệt may Việt Nam giảm sấp xỉ 10%. Có đến 87,1% doanh nghiệp dệt may Việt bị giảm đơn hàng, 53,5% doanh nghiệp dệt may bị khách hoãn hủy đơn và 22,9% doanh nghiệp dệt may không xuất khẩu được.

Xu hướng liên kết

Tuy nhiên, áp lực trên khiến nhiều doanh nghiệp dệt may thay đổi chiến lược về phát triển sản phẩm và tìm khách hàng mới. “Xu hướng ngắn hạn và trung hạn là đa dạng hóa khách hàng, thị trường và sản phẩm để các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất. Còn dài hạn là xu hướng công nghệ xanh mạnh mẽ và tiếp tục tự động hóa”, Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết.

Một điểm đặc biệt nữa, dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp tăng mạnh nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp khác tại Việt Nam. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho thấy, 46,6% doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết với doanh nghiệp khác và 39,5% dự định thực hiện việc liên kết trong thời gian từ 1-3 năm tới.

Cụ thể, nhu cầu liên kết giữa các doanh nghiệp trong dịch COVID-19 gồm: mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; chia sẻ đơn hàng; học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường...

Có thể nói, ngoài động lực từ dịch COVID-19, việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ của các FTA cũng đang thúc đẩy các nhà máy và cả nhãn hàng tăng cường mua bán nguyên vật liệu trong nước. Đơn cử, đơn vị lớn như Công ty Sợi Phú Bài đã thúc đẩy việc bán sợi cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhiều nhà máy may cũng cho biết, họ đã và đang thuyết phục nhãn hàng sử dụng vải và nguyên phụ liệu trong nước thay vì nhập khẩu hoàn toàn như trước đây.

Không để doanh nghiệp “tự bơi”

Tuy nhiên, hiện đa phần sự liên kết này là do doanh nghiệp “tự thân vận động”. Mà nói như ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, khi dịch COVID-19 xảy ra, việc đứt gãy nguyên phụ liệu từ nước ngoài khiến doanh nghiệp gặp khó, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung từ các nhà cung ứng trong nước. Chính dịch COVID-19 đã kéo doanh nghiệp trong nước “lại gần” nhau hơn, kết nối tốt hơn.

Đặc biệt, Chủ tịch TNG lạc quan, nhu cầu thế giới có sụt giảm trong năm 2021, nhưng sẽ không nhiều lắm. Quan trọng là có cạnh tranh được với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc... hay không. Doanh nghiệp đủ tự tin về nguyên liệu, công ty đã làm với các nhãn hàng lớn, đã ký đơn hàng đến tháng 6/2021.

Có thể thấy, các hiệp định thương mại tự do đang có kết cấu thị trường tương đối tốt cũng là tín hiệu sáng để lạc quan với mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD năm 2025, trong đó giá trị thặng dư đạt 33 tỷ USD là hoàn toàn khả quan. Đơn cử như riêng 2 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu của dệt may đạt khoảng 5,8 tỷ USD, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ 2020.

Thực tế, ngành dệt may vẫn gia công đến 60% và chỉ xuất khẩu khoảng 5% theo phương thức ODM (bán sản phẩm theo mẫu). Doanh nghiệp đang cần chính sách hỗ trợ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kiến nghị, Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, trong đó nhà nước quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp dệt may lớn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án dệt nhuộm; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, VITAS kiến nghị bỏ thuế GTGT cho các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết…

Nguồn: Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp