Trong tuần cuối tháng 2, các nhà đàm phán của Anh và Australia đã bước vào vòng đàm phán song phương thứ tư nhằm đạt được một thoả thuận thương mại. Sự thành công của thoả thuận này với Australia được xem là cơ hội thuận lợi hơn để Anh gia nhập CPTPP.

Năm ngoái, có một thời gian trong chính trường Anh khi thuật ngữ “phong cách Australia” trở nên vô cùng “thời thượng”.

Khi Thủ tướng Boris Johnson tìm cách điều hướng việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và đảm bảo một thỏa thuận hậu Brexit, triển vọng giao dịch với EU theo các điều khoản của WTO - tương tự như mối quan hệ thương mại của Australia với châu Âu - được coi là có khả năng xảy ra và trong một số điểm sẽ thuận lợi (mặc dù thương mại của Australia với EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại tự do).

Sau thành công trong việc đạt được thỏa thuận hậu Brexit với EU, Thủ tướng Boris Johnson và Chính phủ Anh giờ đây có một cơ hội duy nhất để đảm bảo một thỏa thuận “phong cách Australia” với chính Austarlia.

Tuy nhiên, một thỏa thuận kiểu Australia lần này sẽ phải được mô phỏng theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có của Australia với rất nhiều đối tác thương mại khác - các thỏa thuận thương mại mang lại môi trường thương mại tự do. Trong tuần cuối tháng 2, các nhà đàm phán của Anh và Australia đã bước vào vòng đàm phán thương mại song phương thứ tư. Đây là cơ hội chỉ có một lần để chính thức hóa và củng cố mối quan hệ thương mại của hai nước, xóa bỏ các rào cản thương mại và đảm bảo một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Các số liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Quốc tế Anh cho thấy, mối quan hệ hiện tại rất bền chặt nhưng vẫn có khả năng phát triển. Tổng thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa Vương quốc Anh và Australia là 14,5 tỷ bảng Anh. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Anh vào Australia trong năm 2019 là 37,3 tỷ bảng Anh và của Australia ở Anh 14,4 tỷ bảng Anh. Hơn nữa, Australia chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 21 của Vương quốc Anh, chiếm 1,2% tổng thương mại của Vương quốc Anh. Xuất khẩu sang Australia trải dài theo chiều dài và chiều rộng của bốn quốc gia thuộc Vương quốc Anh; 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu đến từ Scotland, 9,5% từ Tây Bắc nước Anh và 4,4% từ Bắc Ireland. Các cuộc đàm phán thương mại giữa Vương quốc Anh và Australia có thể mang lại cơ hội tốt hơn để ‘nâng cấp’ bằng cách hạ thấp các rào cản thương mại và tạo môi trường cho các nhà xuất khẩu phát triển.

Đồng thời, khi các đoàn đàm phán tiếp tục các cuộc đàm phán song phương này, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã chính thức gửi đơn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có 11 thành viên bao gồm Australia. Tư cách thành viên của quan hệ đối tác thương mại toàn cầu trị giá 9 nghìn tỷ bảng Anh sẽ là dấu mốc quan trọng mới nhất trong tham vọng của Vương quốc Anh với tư cách là một quốc gia thương mại tự do có chủ quyền. Các thỏa thuận song phương với 11 thành viên riêng lẻ có khả năng làm suôn sẻ quá trình gia nhập trong tương lai và Anh đã đảm bảo các thỏa thuận với bảy thành viên trong số đó.

Nhiệm vụ trước mắt đối với Vương quốc Anh trong việc đảm bảo gia nhập CPTPP là ký kết một thỏa thuận tự do hóa thương mại toàn diện với Australia - một thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích tức thì cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Vương quốc Anh, không áp đặt thuế quan và hạn ngạch. Kết quả như vậy sẽ giúp Australia “bật đèn xanh” cho Vương quốc Anh gia nhập CPTPP.

Năm 2021 cũng là năm mà nước Anh đảm nhiệm vị trí chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 và COP26, đây là cơ hội tốt để ký kết các thỏa thuận thương mại toàn diện với các đồng minh thân cận nhất như Australia, đồng thời thực hiện các bước tiến bộ gần hơn để tham gia một trong các khối thương mại lớn nhất thế giới.

Nguồn: Báo Công Thương