Đầu năm 2021, XK nông, lâm, thủy sản Việt Nam có khởi đầu tương đối suôn sẻ với những con số tăng trưởng mạnh mẽ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp cả khâu sản xuất lẫn thị trường, tháo gỡ rào cản tại các thị trường XK trọng điểm... là giải pháp quan trọng thời gian tới giúp nông sản Việt từng bước tiến đích XK 44 tỷ USD trong năm nay.

Hàng loạt mặt hàng tăng tốc

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng đầu tiên của năm 2021, ước giá trị XK nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,49 tỷ USD, tăng tới 27,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 28,9%; giá trị XK chăn nuôi ước đạt 26 triệu USD, tăng 3%; giá trị XK thuỷ sản ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,33 tỷ USD, tăng 47,8%.

Nhìn vào một số ngành hàng nông sản XK cụ thể dễ thấy mức tăng trưởng khá ấn tượng, đứng đầu là cao su. Ước tính, khối lượng XK cao su tháng 1/2021 đạt 200.000 tấn với giá trị đạt 321 triệu USD, gấp tới 2,2 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo, trong năm 2021 nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm NK cao su do đã dự trữ lượng hàng nội địa khổng lồ. Trong khi đó, XK cao su của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn trong năm nay.

Nói tới tăng trưởng XK ấn tượng tháng đầu năm, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới mặt hàng sắn. Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Khối lượng XK sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 1/2021 ước đạt 400 nghìn tấn với giá trị đạt 144 triệu USD, tăng 88,1% về khối lượng và tăng 97,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, XK sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt do được hậu thuẫn bởi yếu tố cầu tăng cao và nguồn cung hạn hẹp.

Với mặt hàng nông sản XK đình đám gặt hái nhiều thành công trong năm 2020 là gạo. Hiện nay, các thị trường XK gạo chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan. Do vậy, dù XK gạo tháng 1/2021 giảm cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước, song cả năm 2021, dự báo XK gạo vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan.

Đẩy mạnh số hóa trong nông nghiệp

Tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng XK toàn ngành năm 2021 phải đạt 44 tỷ USD. Con số này cao hơn gần 2 tỷ USD so với chỉ tiêu trên 42 tỷ USD mà toàn ngành đặt ra trước đó cho năm 2021.

Nói về mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: "Năng lực sản xuất toàn ngành nông nghiệp không ngại mục tiêu XK 44 tỷ USD năm 2021. Với quyết tâm cao và không vướng mắc về thị trường quốc tế thì con số 44 tỷ USD là khả thi".

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đặc biệt tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp ở cả khâu sản xuất lẫn thương mại đã, đang và tiếp tục được coi là giải pháp quan trọng đưa nông sản Việt tháo gỡ khó khăn, tiến sâu vào thị trường quốc tế trong năm nay cũng như tương lai xa hơn.

Từ góc độ DN, ông Thân Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VISIMEX (DN chuyên sản xuất, chế biến và XK nông sản-PV) chia sẻ, DN xác định, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bí quyết giúp DN vượt qua những "điểm nghẽn" của thị trường do tác động của dịch Covid-19.

“Ngay từ năm 2005, tôi đã đăng ký là thành viên miễn phí của Alibaba. Nhờ giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử nổi tiếng này, chúng tôi đã tìm kiếm được các đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới và dần cải thiện cơ cấu sản xuất. Có thời điểm, các đơn hàng thông qua Alibaba chiếm đến 80% doanh thu hàng năm của công ty, với các khách hàng đến từ khắp nơi như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nam Phi, Trung Đông… Hiện nay, VISIMEX vẫn tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trao đổi trực tuyến với khách hàng nên dịch Covid-19 tác động không đáng kể đến hoạt động của DN", ông Thân Văn Hùng nhấn mạnh.

Với ngành hàng lúa gạo, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: "Để đảm bảo kim ngạch XK gạo năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ và cao hơn năm 2020 với sản lượng tương đương, VFA đã đề ra một số giải pháp để phát triển thị trường, tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. VFA đã xây dựng các kênh chào hàng trực tuyến cũng như tham gia các hội thảo về thương mại theo hình thức trực tuyến để phát triển ngành hàng gạo. Các sản phẩm sẽ tập trung vào nhưng loại chất lượng cao, đang có kết quả XK tốt…”.

Ngoài các yếu tố về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, ở góc độ xúc tiến thúc đẩy XK trong năm 2021, Bộ NN&PTNT nêu rõ, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối XK, hỗ trợ giao thương tại các tỉnh biên giới trong nước nhằm đẩy mạnh XK hàng nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam XK chính ngạch tại các thị trường (hoa quả, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi...).

Bộ NN&PTNT cũng đề cập tới vấn đề chủ động nắm bắt thông tin, tình hình nhằm tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối giao thương, duy trì và mở rộng XK tại thị trường quốc tế ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên thế giới.

Nguồn: Báo Hải quan