Thương mại điện tử (TMĐT) dự báo tiếp tục bùng nổ trong năm 2021, doanh thu vượt xa mốc 12 tỷ USD (năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD). Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp (DN) trong nước bứt phá, xây dựng chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận kênh phân phối hiện đại, uy tín.

Mức tăng trưởng cao

Báo cáo của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến đã đưa thị trường TMĐT tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ông Nguyễn Thế Quang- Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - nhìn nhận, TMĐT đã có một năm tăng trưởng ấn tượng và sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021 và các năm tới.

Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Doanh thu của mô hình TMĐT B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc ba nước đứng đầu khu vực. Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế internet lớn nhất khu vực đạt trung bình 35 - 36%, theo đó, Việt Nam là 36%, đứng đầu là Indonesia với 41%, thứ ba là Philippines 30%.

Nghiên cứu của Nielsen chỉ ra rằng, từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm trên các sàn TMĐT tăng mạnh. Năm qua, có 70% người dân Việt Nam tiếp cận với internet, 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hoạt động TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm đến 70% tổng lượng giao dịch TMĐT của cả nước.

Theo Amazon Việt Nam, người bán hàng Việt Nam đã đạt doanh số vượt mốc 1 triệu USD trong năm 2020 trên Amazon, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.

Hướng tới chuyển đổi số nhanh và mạnh

Các chuyên gia dự báo, TMĐT sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.

Trong xu hướng chuyển đổi số và phát triển thị trường mua bán trực tuyến, Cục TMĐT và Kinh tế số đã triển khai chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên 3 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam là Tiki, Sendo và Voso, tạo một sân chơi mới cho các DN sản xuất phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức TMĐT và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước.

Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - thông tin thêm, Cục sẽ triển khai Chương trình GoOnline - với nhiệm vụ đồng hành cùng DN trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất cả nước, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, DN, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ. Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể, như: Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn TMĐT; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn TMĐT; xây dựng nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông Chương trình GoOnline.

Nguồn: Báo Công Thương