Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bản thân nội lực nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh. Quan trọng là cần phải biết cách phát huy thế mạnh, huy động tổng thể các nguồn lực và nhanh nhạy chớp thời cơ để Việt Nam có thể tăng trưởng một cách bền vững và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025.

Ông đánh giá như thế nào về những chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025?

Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong năm 2020 sẽ là cơ sở để kỳ vọng trong năm 2021. Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra nếu tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có kế hoạch phục hồi kinh tế tốt. Nhưng nếu những thứ cải cách hết sức căn bản vẫn không thay đổi thì đạt được mức tăng trưởng 5%-6% cũng khó.

Chúng ta đang kỳ vọng GDP/đầu người giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt 4.700-5.000 USD một năm, đến năm 2030 đạt 7.500 USD một năm. Để mục tiêu trở thành nước phát triển thu nhập cao, thì từ năm 2030, Việt Nam phải xác định ở top đầu các nước thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người là 10.000-12.000 USD một năm. Như vậy, ở các năm tiếp theo mới có thể tiến đến ngưỡng 15.000-18.000 USD. Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được ngưỡng vọng này, bởi bản thân nội lực nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển mạnh. Quan trọng là cần phải biết cách phát huy thế mạnh, huy động tổng thể các nguồn lực và nhanh nhạy chớp thời cơ

Để đạt mục tiêu đã đề ra, giải pháp được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số. Xây dựng nhà nước kiến tạo, chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Việc Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP, duy trì tính liên tục của các mục tiêu, giải pháp trong các Nghị quyết 19 trước đây và Nghị quyết 02 sau này là rất quan trọng, cần thiết để tiếp nối những thành quả cải cách đạt được những năm qua. Tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP lần này, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749. Điều này là rất phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra đã làm tăng sức ép cũng như tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, số hoá của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Theo ông, chúng ta cần cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành theo hướng nào trong thời gian tới và thách thức là gì?

Từ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 – 2020, chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học giúp việc đề xuất các chính sách, giải pháp có hiệu quả hơn, định hướng của Chính phủ về việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định rõ.

Việc triển khai cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới có một số thách thức như các vấn đề và lĩnh vực cải cách khó khăn, phức tạp hơn, dư địa để cải cách ngay hạn hẹp. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu đơn vị tiên phong “giữ lửa”, thúc đẩy cải cách, thiếu nguồn lực và hỗ trợ cần thiết từ các nhà tài trợ, thiếu các nghiên cứu có chất lượng bổ trợ cho các đề xuất giải pháp cải cách.

Các giải pháp cải thiện, nâng cao môi trường kinh doanh 2021 - 2025 và định hướng 2030 phải làm những gì chưa làm được, kế thừa, tiếp tục phát triển và mở rộng phạm vi nội dung của các Nghị quyết trước đó như Nghị quyết 19/2018, Nghị quyết 02/2019...

Theo đó, phải đổi mới tư duy và cách thức làm luật, vai trò của luật pháp. Văn bản quy phạm pháp luật cần linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển, không nhất thiết phải đầy đủ và toàn diện, không nhất thiết phải có hàng chục, hàng trăm điều khoản mà chỉ cần đủ để giải quyết một hoặc một số vấn đề đang cản trở quá trình phát triển xã hội.

Thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, gia cố an toàn trong đầu tư kinh doanh. Tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức hạn chế, làm thui chột tự do kinh doanh phát hiện. Xem xét, sửa đổi căn bản chế độ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhất là chế độ thanh tra chấp hành pháp luật theo kế hoạch; bãi bỏ chế độ kiểm tra doanh nghiệp.

Ông có thể cho biết động lực để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới?

Để nền kinh tế có động lực tăng trưởng Việt Nam cần có cơ chế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Cụ thể, Việt Nam cần hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Để trở thành miền đất hứa, Việt Nam cần tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo vệ sự sáng tạo.

Đặc biệt, trong thời gian tới phải xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Hải quan