Hôm 18/2, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một chính sách ngoại thương mới quyết đoán hơn, báo hiệu họ sẵn sàng hợp tác nhiều hơn với Washington để loại bỏ "tác động lan tỏa tiêu cực" từ chính sách thương mại và đầu tư của Bắc Kinh.

Trong chính sách ngoại thương mới, khối kinh tế chung EU khẳng định coi "quyền tự chủ chiến lược mở rộng" như một biện pháp để đối phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, "chủ nghĩa đơn phương" và hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19. EU còn cam kết cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thúc đẩy quan hệ đối tác ở châu Á và Mỹ Latin.

Theo tài liệu vừa được công bố, sau toàn cầu hóa, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế là hai trong 5 diễn biến buộc EU công bố chính sách ngoại thương mới.

Theo SCMP, động thái mới của EU diễn ra trong bối cảnh các quan chức châu Âu đang tổ chức khá nhiều cuộc đàm phán cấp cao với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vạch ra chiến lược đúng đắn để kiềm chế Trung Quốc là nội dung quan trọng của các cuộc đàm phán.

Trước đó, ông Biden đã tuyên bố sẽ đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Trong nhiệm kỳ 4 năm, ông Trump đã làm mối quan hệ Mỹ - EU rạn nứt khi áp đặt nhiều mức thuế quan trừng phạt lên hàng hóa của EU và đưa ra những lời lẽ gay gắt chống lại các nước châu Âu.

"Buộc Trung Quốc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn trong thương mại quốc tế, song song với giải quyết những tác động lan tỏa tiêu cực từ hệ thông kinh tế nhà nước - tư bản chủ nghĩa của họ là trọng tâm nỗ lực của EU nhằm tái cân bằng quan hệ thương mại song phương", EU tuyên bố.

Các cuộc đàm phán của EU nhằm chốt Hiệp định Đầu tư Toàn diện với Trung Quốc (CAI) là "một phần trong những nỗ lực trên". Giới phê bình cho rằng CAI chưa tính đến các vấn đề về quyền lao động và thỏa thuận có thể bị hủy bỏ vì điểm vướng mắc này.

Ở chiều hướng khác, EU ca ngợi mối quan hệ thương mại với Washington là "quan hệ đối tác kinh tế lớn và quan trọng nhất trên thế giới", ngay cả khi dữ liệu của EU cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối kinh tế chung trong năm 2020.

Theo dữ liệu do cơ quan thống kê Eurostat công bố tuần này, kim ngạch thương mại hàng hóa của Trung Quốc với EU (không bao gồm Anh) đạt 586 tỷ euro (tương đương 710 tỷ USD) vào năm ngoái.

Xuất khẩu và nhập khẩu của EU với Trung Quốc đều tăng trong năm ngoái, lần lượt đạt 202,5 tỷ euro và 383,5 tỷ euro. Trong khi đó, kim ngạch thương mại của Mỹ với EU đạt 555 tỷ euro, giảm 10% so với mốc 617 tỷ euro năm 2019.

Ngôn ngữ sử dụng trong tuyên bố ngày 18/2 của EU cho thấy các giá trị chung được coi trọng hơn số liệu thương mại, SCMP nhận định.

"Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU bắt nguồn từ những lợi ích và giá trị chung. Chính quyền Tổng thống Biden đang tạo cơ hội để hai bên cùng cải cách WTO thông qua tăng cường năng lực xử lý tranh chấp của cơ quan này và giúp WTO đóng góp vào sự phát triển bền vững của thế giới", chính sách mới của EU nêu rõ.

"Mối quan hệ song phương cũng tạo ra những triển vọng hợp tác mới về chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kỹ thuật số và thân thiện với môi trường hơn. Do đó, EU sẽ ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ", tuyên bố nhấn mạnh.

Cơ quan phúc thẩm của WTO đã ngừng hoạt động từ năm 2019 sau khi Washington ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho hội đồng gồm 7 người này. Các phiên xử phúc thẩm tại WTO cần ba thẩm phán và nhiệm kỳ của người cuối cùng còn lại, ông Hang Zhao đến từ Trung Quốc, đã kết thúc vào tháng 11 cùng năm.

Bà Mary Lovely, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định dù chính sách mới báo hiệu EU sẽ hướng đến Washington, Brussels có thể sẽ không hành động mạnh mẽ như lời kêu gọi tách rời Trung Quốc của một số chính trị gia Mỹ.

"Chính sách thương mại mới của EU đang cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa khối kinh tế chung với Mỹ và Trung Quốc. EU đã phát tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ tự đặt ra hướng đi cho riêng mình. Tuy nhiên, tìm ra hướng đi thỏa mãn điều kiện 'mở rộng' và 'tự chủ' sẽ rất khó khăn, vì khi mở rộng các nước thường hay phụ thuộc lẫn nhau", bà Lovely lý giải.

"EU sẽ ưu tiên các chiến lược có chọn lọc hơn, chẳng hạn như thẩm định đầu tư và các chính sách độc lập như thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp", và Lovely nói thêm. "Họ coi các chính sách quy mô như thuế quan trừng phạt của Mỹ với Trung Quốc là phản tác dụng, không thể buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc thương mại đa phương".

Song, vị chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định, "EU sẽ ưu tiên quan hệ với Mỹ khi bắt buộc phải chọn lựa".

Nguồn: Vietnambiz