Đầu Xuân Tân Sửu, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 25 năm tới.

Ông Andrew Jeffries cho rằng: “Để đạt được tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, đưa Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao, ưu tiên số một là nâng cao hiệu quả thể chế, từ đó sẽ có tác động lan tỏa sang mọi lĩnh vực, góp phần tăng trưởng bền vững”.

Thách thức với Việt Nam trong ngắn hạn

Nói về thách thức trong ngắn hạn, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - cho biết, đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới và tác động kinh tế của đại dịch cũng chưa bao giờ lại nặng nề như vậy. Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 thậm chí còn tồi tệ hơn cả đại khủng hoảng kinh tế năm 1930.

Theo dự báo cập nhật của ADB hồi tháng 9, nếu đại dịch được kiểm soát trong quý III/2020, tăng trưởng của các nước Đông Á sẽ giảm từ 5,4% trong năm 2019 xuống -0,7% trong năm 2020, trong đó Thái Lan được dự báo tăng trưởng -8%, và Malaysia -5 %, Philippines -7,3%, Indonesia -1%.

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 là 1,8%, mức tăng trưởng dương, và tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong Châu Á. Tuy nhiên, đây là dự báo đầu tháng 9 và tình hình đại dịch vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt vào dịp mùa đông. Bất chấp những tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, hầu hết dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB, đều cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi từ 6% đến 7%. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% trong năm 2021.

Dự báo này căn cứ vào 4 yếu tố. Trước hết, nhu cầu bên ngoài đã và sẽ dần phục hồi vào năm 2021, có lợi cho một nền kinh tế có độ mở rộng như Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã và đang thích nghi dần trong sống chung với đại dịch, trong khi đang chờ đợi sự đột phá trong việc nghiên cứu và tìm kiếm vaccine. Việc đóng cửa toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ không xảy ra như ở những tháng đầu năm 2020, do vậy, nhu cầu bên ngoài sẽ dần phục hồi, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu nhiều hơn nữa.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh sẽ tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng trong năm 2021. Tiếp đến, sự cơ cấu lại dòng vốn và thương mại quốc tế tiếp tục mạnh mẽ hơn vào năm 2021. Các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn trong thương mại và đầu tư.

Cuối cùng là tác động của các chính sách tiền tệ và tín dụng sẽ phát huy tác dụng rõ rệt hơn vào năm 2021, đặc biệt sau khi đã có những bài học kinh nghiệm được rút ra trong việc thực hiện các gói hỗ trợ ban đầu, sự hỗ trợ tiếp theo sẽ có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sự bất ổn và rủi ro của đại dịch vẫn còn rất lớn và diễn biến của đại dịch vào mùa thu và đông cuối năm 2020 vẫn rất phức tạp, khó lường, có thể tác động mạnh đến khả năng phục hồi năm 2021.

Động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong dài hạn

Bàn về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn, các yếu tố như thị trường nội địa tiềm năng với gần 100 triệu người tiêu dùng, sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, đội ngũ lao động trẻ, và khả năng tiếp cận thị trường thông qua các siêu hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là những động lực mà Việt Nam có thể tận dụng để bứt phá trở thành nước thu nhập trung bình mức cao.

Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, đã có nhiều phân tích về các giải pháp chiến lược cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, bao gồm tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển lĩnh vực tư nhân, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hẹp bất bình đẳng xã hội, khoảng cách thu nhập và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây cũng là những lĩnh vực mà ADB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.

“Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là tính hiệu quả của thế chế, bao gồm hệ thống pháp luật, bộ máy nhà nước cấp trung ương cũng như cấp địa phương và chất lượng đội ngũ cán bộ. Hiệu quả của thế chế là nền tảng cho các biện pháp khác để phát triển kinh tế. Nếu không có thể chế hiệu quả, thì không thể hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, không thể quản lý hiệu quả kinh tế nhà nước, và không thể phát triển được kinh tế tư nhân.

Khi thể chế được tăng cường theo hướng hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt để cho doanh nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho áp dụng khoa học kỹ thuật từ đó nâng cao năng suất lao động và khuyên khích nhiều hơn nữa nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng” - ông Andrew Jeffries cho hay.

Để đạt được tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, đưa Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao, ông Andrew Jeffries cho rằng, ưu tiên số một là nâng cao hiệu quả thể chế, từ đó sẽ có tác động lan tỏa sang mọi lĩnh vực, góp phần tăng trưởng bền vững. Thể chế hiệu quả sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển và tận dụng được tối đa các nguồn lực để ứng phó biến đối khí hậu.

Từ tháng 1.2019, Việt Nam đã chuyển từ vay ODA sang vay thương mại ưu đãi từ ADB. Hiện tại, cùng với các bộ ngành liên quan, ADB đang chuẩn bị chiến lược hoạt động từ năm 2021-2025. Chiến lược này sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, cũng như chiến lược 2021-2030.

Chiến lược 2021-2025 của ADB dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 8.2021, và các ưu tiên dự kiến là phục hồi kinh tế sau đại dịch, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị, hỗ trợ chống tác động của biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, giáo dục, y tế, chuyển đổi cơ cấu, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Là đối tác tin cậy của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ADB sẽ luôn kề vai, sát cánh cùng Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.

Nguồn: Báo Lao động