Kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tháng 8.2020), xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã có khởi sắc. Tuy nhiên, để EVFTA tạo ra thay đổi đáng kể sẽ cần thêm những kế hoạch hành động.

Thêm nhiều triển vọng khi EVIPA được thông qua

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đức tại Việt Nam, ông Ludwig Graf Westarp cho rằng, EVFTA đã có hiệu lực rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

“Tháng 12.2020, tức 4 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt khoảng 14,66 tỉ USD, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đã bắt đầu nâng cao chất lượng và sản xuất bền vững trong nền kinh tế để đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) ước tính rằng đến năm 2030 EVFTA thậm chí sẽ tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên 44%” - ông Ludwig Graf Westarp chia sẻ.

“Chẳng bao lâu nữa EU cũng sẽ phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA). Kết hợp với Luật Đầu tư 2020 của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1.2021, EVFTA và EVIPA sẽ tạo ra những hiệu ứng tổng hợp đáng kể”, ông Ludwig Graf Westarp nhận định.

Theo ông Đặng Đức Anh - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế và Xã hội quốc gia, vừa kiểm soát dịch bệnh tốt, vừa tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

TS Đặng Đức Anh cho rằng từ khi ký kết đến khi triển khai có hiệu quả EVFTA là cả một quá trình.

“Chúng tôi vẫn đánh giá các doanh nghiệp của chúng ta rất linh hoạt, giỏi thích ứng. Vai trò của Chính phủ là tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự tìm kiếm cơ hội. Cần hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình họ tìm kiếm thị trường. Giải pháp chung là tạo môi trường kinh doanh tốt để những doanh nghiệp có năng lực tự vươn lên”, ông Đặng Đức Anh nói.

SME mong được hỗ trợ phương pháp tiếp cận thị trường

Là chủ một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), chị Nguyễn Ngân - Giám đốc Công ty TNHH VietHaus cho biết: “Kiến thức về thị trường, nội lực mạnh về sản phẩm và dịch vụ chất lượng đáp ứng theo tiêu chuẩn Châu Âu, các hỗ trợ về cơ hội kinh doanh giữa các SME tại Việt Nam với EU là những thứ mà chúng tôi rất cần”.

Chị Ngân nói thêm: “Chúng tôi cần phân tích thị trường liệu có phù hợp với mình, vai trò của mình ở đâu trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị”.

Cũng đang vận hành một doanh nghiệp SME chuyên sản xuất bánh kẹo và trái cây sấy muốn xuất đi EU, chị Nguyễn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát - cho biết: “Các SME vô cùng thiếu nguồn lực, chẳng những về cơ sở vật chất mà còn là các hệ thống kiến thức cần thiết. Bản thân thiếu mà còn chưa biết gọi tên cái thiếu của mình là gì và nên gọi giúp đỡ ra sao”.

Theo chị Thủy, các khóa đào tạo ngắn hạn hay nhiều hội thảo về EVFTA hiện nay đều đưa ra và mổ xẻ các vấn đề 1 cách rời rạc chứ không dựa trên vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp, từ đó mà SMEs loay hoay lại càng loay hoay.

“Lượng kiến thức mà người làm chiến lược cần phải thu thập quá nhiều, từ đó buộc doanh nghiệp phải lựa chọn: làm đại để sống sót ngay hay làm bài bản nhưng tốn nhiều nguồn lực và thời gian” - chị Thủy nói và nhấn mạnh, các SMEs rất cần được hỗ trợ kiến thức và phương pháp tiếp cận thị trường một cách hệ thống.

Nguồn: Báo Lao động