Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi, việc Trung Quốc và EU có thể ký một hiệp định đầu tư toàn diện sẽ là một thắng lợi quan trọng về mặt ngoại giao của Trung Quốc.

Ngày cuối cùng của năm 2020, Trung Quốc và EU hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đầu tư toàn diện (EU-China Comprehensive Agreement on Investment_CAI) theo đúng kế hoạch. CAI hứa hẹn mang lại giá trị chiến lược quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Trung Quốc hiện nay.

Phép thử đối với quan hệ Trung Quốc-EU

Tất nhiên, việc CAI có thể ký kết hay không là một phép thử đối với quan hệ Trung Quốc-EU. Giữa tháng 9/2020, Trung Quốc và EU đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhưng không đạt được nhiều thành quả. Trong tuyên bố sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói, EU và Trung Quốc vẫn tồn tại bất đồng trong một số vấn đề và EU sẽ không che giấu những bất đồng này.

Về thương mại, EU muốn được đối xử công bằng, muốn có một quan hệ bình đẳng hơn. Về dân chủ và nhân quyền, EU tiếp tục quan tâm chặt chẽ đến Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, EU nhắc lại mối quan tâm về cách thức Trung Quốc đối xử với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng. Về an ninh quốc tế, EU hối thúc Trung Quốc tự kiềm chế, không nên có hành động đơn phương đối với vấn đề biển Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh xảy ra xung đột.

Khi đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU vừa qua, truyền thông Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ với lãnh đạo EU rằng, Trung Quốc không chấp nhận việc nước khác can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Ngay sau lời phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 16/9/2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thể hiện thái độ cứng rắn hiếm thấy đối với Trung Quốc. Bà Ursula von der Leyen gay gắt nói, hành vi xâm phạm nhân quyền cho dù xảy ra ở đâu và vào thời điểm nào, EU đều phải bày tỏ lập trường của mình.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, EU cần nhận thức được, EU và Trung Quốc có sự lý giải khác nhau về quan điểm giá trị, thể chế chính trị và chủ nghĩa đa phương. Còn Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth, cho rằng, Bắc Kinh coi tính lệ thuộc kinh tế là đòn bẩy của chính trị quyền lực, do đó châu Âu cần phải tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh không để bị lệ thuộc trong những lĩnh vực then chốt.

Từ đó có thể thấy, CAI không chỉ có ý nghĩa kinh tế, Hiệp định còn có ý nghĩa chính trị lớn. Xét về mặt chiến lược, CAI có thể khóa chặt quan hệ kinh tế và thương mại của hai nền kinh tế lớn hàng đầu trên toàn cầu, từ đó phá vỡ chiến lược tìm cách cô lập Trung Quốc của Mỹ. Việc quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU được củng cố đã thu hẹp không gian đối lập về quan niệm giá trị của hai bên, về khách quan EU đã ủng hộ vị thế của Trung Quốc trên vũ đài thế giới.

Phép thử đối với khả năng hội nhập của Trung Quốc

Tuy nhiên, việc có thể ký CAI hay không, không những là phép thử đối với việc EU cân bằng quan niệm giá trị và lợi ích kinh tế, mà còn là phép thử đối với việc liệu Trung Quốc có thể hội nhập hơn nữa với thế giới hay không.

Khác với Mỹ, khi thể hiện quan hệ với Trung Quốc, EU luôn kiên trì và hy vọng có thể hợp tác với Trung Quốc. Đây chính là khó khăn trong chiến lược của EU đối với Trung Quốc. Một mặt, EU phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, hy vọng tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là Đức. Năm 2020, lượng tiêu thụ ô tô Mercedes của Đức tại Trung Quốc vẫn tăng trưởng hai con số. Mặt khác, EU kiên trì sử dụng quân bài nhân quyền để ứng phó với Trung Quốc. Việc cân bằng quan niệm giá trị và lợi ích kinh tế cũng được phản ánh rõ trong quá trình đàm phán CAI.

Điều khoản lao động là cấu trúc cơ bản của các hiệp định thương mại và đầu tư trong thế kỷ 21, EU và Mỹ đều đưa điều khoản lao động vào trong quá trình đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do hoặc hiệp định đầu tư song phương. Trong khi đó, điều khoản lao động là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chế độ chính trị ở Trung Quốc. Trung Quốc chưa phê chuẩn các công ước quốc tế thể hiện quan điểm giá trị, chẳng hạn như Công ước lao động cưỡng bức và Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức, đồng thời cũng không chấp nhận tiêu chuẩn lao động cốt lõi. Trong các hiệp định thương mại tự do hoặc hiệp định đầu tư đã ký kết đến nay, Trung Quốc không chấp nhận điều khoản lao động. Theo tiết lộ của giới truyền thông, Trung Quốc bị yêu cầu phải thực hiện tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế thuộc Liên hợp quốc, đồng thời áp dụng các bước đi hiệu quả để phê chuẩn các tiêu chuẩn liên quan của tổ chức này.

Việc EU giương cao ngọn cờ nhân quyền có thể thấy, nếu EU ưu tiên lợi ích kinh tế mà từ bỏ điều khoản lao động, đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao về quan niệm giá trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chiến lược của EU, dường như không tồn tại khả năng EU từ bỏ điều khoản lao động, vì nếu thất bại trong việc bảo vệ quan niệm giá trị, EU không thể đối diện với thế giới, không thể duy trì quan hệ đồng minh Mỹ-EU. Ngày 21/12/2020, Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange, nhấn mạnh trên Twitter, cách thức giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức sẽ quyết định số phận của CAI.
EU cũng luôn than phiền Trung Quốc không mở cửa thị trường, do đó muốn dựa vào hiệp định đầu tư để kiểm soát việc mở cửa thị trường của Trung Quốc. Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã có những nhượng bộ hiếm thấy trong các ngành như dịch vụ tài chính, sản xuất và bất động sản… Đáp lại, EU đồng ý mở cửa để Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Phép thử về khả năng "đối phó" với Trung Quốc của Liên minh Mỹ-EU

Liệu có thể ký CAI hay không còn là phép thử đối với việc Mỹ và EU có thể cùng đối phó với sức mạnh của Trung Quốc hay không. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã thể hiện mong muốn hợp tác với EU để đối phó với Trung Quốc và EU cũng tích cực hưởng ứng yêu cầu của ông Biden. Ngày 2/12/2020, EU công bố “Chương trình nghị sự mới ứng phó với những thay đổi của toàn cầu” và Trung Quốc trở thành chủ đề trọng điểm của hợp tác EU-Mỹ. Báo cáo tuyên bố “là xã hội dân chủ và nền kinh tế thị trường cởi mở, EU và Mỹ nhất trí về những thách thức chiến lược do sự tự tin quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc tạo ra”.

Việc CAI được ký kết trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden không những là một đòn giáng mạnh vào Mỹ, mà còn là thắng lợi của Trung Quốc trong cuộc đọ sức chiến lược ba bên Trung Quốc-Mỹ-EU. CAI sẽ là trở ngại trong quan hệ Mỹ-EU, kiềm chế việc EU hợp tác với Mỹ trong vấn đề nhân quyền và kinh tế thương mại.

Và trên thực tế, sau khi Trung Quốc và EU hoàn tất đàm phán CAI vào ngày 30/12/2020, Mỹ lập tức có hành động đối với tranh chấp về vấn đề trợ cấp hàng không dân dụng kéo dài 16 năm, tuyên bố áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của EU với tổng trị giá lên đến 7,5 tỷ USD, chỉ 8 ngày trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.  

Ba vấn đề trên đều cho thấy, CAI có giá trị chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc. Theo thông tin mới nhất, Trung Quốc đã đưa ra những cam kết thực chất cần thiết đối với 3 trụ cột đàm phán là tiêu chuẩn tiếp cận thị trường, môi trường cạnh tranh công bằng và phát triển bền vững. Trung Quốc đồng ý tiếp tục nỗ lực, cố gắng phê chuẩn Công ước lao động cưỡng bức và Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức lao động quốc tế.

Nguồn: Thế giới và Việt Nam