Ngành dệt may và da giầy của Việt Nam trong 20 năm qua đã có sự thay đổi vượt bậc. Tỷ lệ nội địa hóa trong 2 ngành trên hiện đã vượt 54% và đem lại giá trị hơn 50 tỷ USD xuất khẩu trong năm vừa qua.

Xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam trong những năm qua đã liên tục khẳng định được vị trí cao trong ngành thời trang của thế giới. Hầu hết các sản phẩm “made in Vietnam” đã có mặt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đáng chú ý, các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP và EVFTA được ký kết và có hiệu lực đã tạo động lực lớn cho ngành để tăng tỷ lệ nội địa hoá, đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành dệt may và da giày Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động đáp ứng nguồn nguyên phụ liệu có xuất xứ tuân thủ quy định theo các cam kết của các hiệp định thương mại.

Đây cũng là nội dung chính của Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt may-da giày lần thứ 2 do Viện Dệt may-Da giày và Thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 15/1, tại Hà Nội. Trong khi đó, theo phó giáo sư, tiến sỹ Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt may-Da giày và Thời trang (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện các doanh nghiệp dệt may-da giày đang phát triển cả về quy mô và số lượng nên có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này đã được nâng lên song việc trao đổi thông tin và hợp tác với các doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ.

Do vậy, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng như định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực Dệt may-Da giày, Viện đã phối hợp với các trường và Hiệp hội thành lập Câu lạc bộ khoa học Dệt may-Da giày Việt Nam.

“Đây sẽ là tổ chức tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày thành một khối thống nhất qua đó cùng nhau hợp tác và phát triển,” phó giáo sư, tiến sỹ Phan Thanh Thảo thông tin.

Hội nghị lần này cũng là dịp để các nhà khoa học, đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề thời sự liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giầy, qua đó tìm ra những hướng đi mới thúc đẩy các sản phẩm thời trang nâng cao giá trị và tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Theo báo cáo tại hội nghị, ngành dệt may và da giày của Việt Nam trong 20 năm qua đã có sự thay đổi vượt bậc. Tỷ lệ nội địa hóa trong 2 ngành trên hiện đã vượt 54% và đem lại giá trị hơn 50 tỷ USD xuất khẩu trong năm vừa qua.

Đáng chú ý, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam hiện đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy vậy, để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo đại diện Lefaso, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào tự động hóa, tăng năng suất giúp giảm chi phí. Cùng với đó là xây dựng chuỗi khép kín để tự chủ nguyên vật liệu và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nguồn: Vietnam Plus