Trong thông báo gửi tới các đơn vị vận chuyển, Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ (CBP) nêu rõ mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 5h01 GMT ngày 12/1 (12h01 giờ Việt Nam).

Đây là một phần trong tranh chấp kéo dài 16 năm qua giữa Mỹ và EU liên quan vấn đề trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Boeing (của Mỹ) và Airbus (của châu Âu). 

Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo sẽ áp thuế bổ sung 15% đối với các phụ tùng máy bay, bao gồm thân máy bay và cánh, và 25% thuế đối với một số loại rượu.

Một nguồn tin châu Âu cho biết các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU nhằm tháo gỡ mâu thuẫn đã rơi vào bế tắc vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mãn nhiệm. Phía Washington đã thúc đẩy các cuộc đàm phán để đạt thỏa thuận riêng rẽ với Anh, quốc gia có cổ phần tại Airbus và vừa rời Liên minh châu Âu (EU). Về phần mình, Brussels hy vọng sẽ tìm được giải pháp nhanh chóng để tháo gỡ vấn đề với chính quyền mới của Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức, dự kiến vào ngày 20/1. Đội ngũ của ông Biden hiện chưa đưa ra bình luận về đợt áp thuế mới.

Trước đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cho phép Washington được áp thuế với số lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của EU, còn Brussels cũng được áp thuế bổ sung với 4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Mỹ trước đó áp thuế với các máy bay của Airbus, nhưng việc các biện pháp bổ sung lần này mở rộng ra cả các máy bay của Airbus được lắp ráp tại Mỹ có sử dụng phụ tùng nhập từ châu Âu. Airbus cho rằng việc USTR áp thuế bổ sung với các phụ tùng máy bay nhập khẩu từ Pháp và Đức là động thái "phản tác dụng", thậm chí gây thêm khó khăn cho các công nhân Mỹ làm việc tại nhà máy Mobile ở bang Alabama, nơi lắp ráp máy bay A320 sử dụng các linh kiện bị đánh thuế. Ban đầu, mức thuế mới sẽ không có ảnh hưởng đáng kể do các hãng sản xuất thường đặt mua trước các phụ kiện cỡ lớn như cánh và thân máy bay nhằm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn sản xuất.

Bên cạnh các sản phẩm liên quan tới ngành chế tạo máy bay, nhiều sản phẩm đồ uống có cồn của các nước tham gia sản xuất máy bay Airbus - gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh - cũng đã bị đánh thuế và đợt thuế mới sẽ có thêm các sản phẩm khác bị ảnh hưởng. Khác với các đợt áp thuế trước đây, lần này USTR không áp dụng miễn trừ đối với các sản phẩm đang được vận chuyển, thậm chí đã cập cảng.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam