Ngày 11/01, Ban Thư ký Hiệp định Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) cho biết, các thành viên của khu vực mậu dịch tự do mới của châu Phi sẽ hoàn thành lịch trình cắt giảm thuế quan và hoàn thiện các quy tắc xuất xứ thiết yếu trước tháng 7/2021.

Các nước châu Phi bắt đầu chính thức giao dịch theo AfCFTA vào ngày 01/01, sau nhiều tháng trì hoãn do đại dịch Covid-19 toàn cầu gây ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận có thể sẽ mất nhiều năm.

Theo Hiệp định thành lập AfCFTA, các thành viên phải loại bỏ dần 90% số dòng thuế trong vòng 5 - 10 năm tới. 7% số dòng thuế khác được coi là nhạy cảm sẽ có thêm thời gian, trong khi 3% sẽ được phép đưa vào danh sách loại trừ. 44 trong số 54 quốc gia thành viên của khu vực đã đệ trình lịch trình cắt giảm thuế quan. Trong khi đó, các quy tắc xuất xứ - một bước thiết yếu để xác định sản phẩm nào có thể bị áp thuế và chịu thuế - cũng phải được hoàn thiện. Ngày 11/01, Chánh văn phòng Ban Thư ký AfCFTA Silver Ojakol, cho biết, gần 90% các quy tắc xuất xứ hiện đã được thống nhất. Vì vậy, 10% còn lại phải được hoàn thành vào tháng 7 năm nay.

AfCFTA đặt mục tiêu hình thành thị trường 1,3 tỷ người trong một khối kinh tế trị giá 3,4 nghìn tỷ USD sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất về số lượng thành viên, kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới được thành lập. Ngân hàng Thế giới ước tính khu vực này có thể giúp hàng chục triệu người thoát nghèo vào năm 2035. Tuy nhiên, những trở ngại còn lại không chỉ đơn giản liên quan đến hài hòa thuế quan. Thách thức lớn nhất có lẽ là tính liên kết giữa cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi giao dịch.

Các liên kết yếu kém về đường bộ và đường sắt của châu Phi và tình trạng quan liêu ở biên giới quá mức sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Công ty Tài chính châu Phi (AFC) cho biết, có rất nhiều điểm sáng nếu xét về mong muốn đầu tư của các nhà đầu tư đối với cơ sở hạ tầng ở châu Phi. AFC gần đây đã nhận được khoản tài trợ 250 triệu USD từ Tổ chức Tài chính phát triển Mỹ để giúp tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên lục địa này.

Nguồn: Báo Công Thương